Toan tính của Iran

Thứ sáu, 19/09/2014 07:10

(Cadn.com.vn) - Iran khiến các nước bất ngờ khi loại trừ ngay lập tức khả năng hợp tác với Mỹ trong việc giúp Iraq - đồng minh thân cận của Tehran - chống lại các chiến binh IS.

Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo, các nhóm khủng bố là mối đe dọa toàn cầu rộng lớn hơn mà cần tư duy mới để tiêu diệt. Tehran cũng tỏ ra nghi ngờ về sự sẵn sàng và khả năng của Mỹ trong những phản ứng đối với "mối đe dọa" từ nhóm IS "trên diện rộng" đồng thời cho rằng, những cuộc không kích của Lầu Năm Góc không thể đem lại chiến thắng. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng hoài nghi về khả năng chiến thắng của Mỹ trước IS nếu "không đặt chân xuống mặt đất" đồng thời chỉ trích việc Mỹ từ chối đưa binh sĩ vào cuộc chiến chống nhóm IS.

Iran là quốc gia đầu tiên cung cấp trợ giúp cho nước láng giềng Iraq khi IS tràn qua biên giới từ Syria vào tháng 7. Vì vai trò quan trọng của quốc gia Hồi giáo, Pháp muốn mời Iran tham dự Hội nghị quốc tế ở Paris hôm 15-9 nhằm phối hợp hành động để đè bẹp những kẻ cực đoan IS, nhưng Mỹ nói "không". Nhà Trắng loại trừ mọi khả năng hợp tác quân sự trong tương lai với Iran trong khuôn khổ một liên minh do Washington đứng đầu, song cũng nêu ra triển vọng đàm phán riêng rẽ với Tehran về vấn đề Iraq.

Nhưng bản thân Iran cũng không muốn đồng hành cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS lần này. Phía Iran thậm chí gọi 24 quốc gia tham dự hội nghị tại Paris "liên minh những kẻ ăn năn" bởi vì hầu hết đều có hỗ trợ nhóm IS "theo hình thức khác nhau" từ khi nhóm này thành lập vào thời điểm Mỹ xâm lược Iraq năm 2003.

Theo ông, bây giờ là lúc liên minh này ngừng cung cấp tài chính, trang thiết bị quân sự và lối đi an toàn cho các chiến binh thánh chiến. Ông không nêu tên bất kỳ thành viên nào trong liên minh, nhưng thực tế cho thấy, Saudi Arabia và Qatar cung cấp tài chính cho các nhóm ly khai Al-Qaeda, và Thổ Nhĩ Kỳ không ngăn chặn hàng ngàn chiến binh nước ngoài vượt biên vào Syria và Iraq tham gia nhóm IS.

Mối quan hệ Mỹ-Iran luôn ở thời điểm nhạy cảm, với một vòng đàm phán mới về thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân Iran bắt đầu ngày 18-9. Nhưng câu hỏi đặt ra là có phải Iran từ chối hợp tác với Mỹ vì nghĩ Lầu Năm Góc không thể giành chiến thắng và vì mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" với Washington?

Người ta cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do Tehran đang có nhiều toan tính hơn cho riêng mình ở Iraq. Mục tiêu lớn nhất dường như là Tehran đang muốn "hất cẳng" Mỹ để có thể giành quyền ảnh hưởng nhiều hơn ở Iraq.

Thanh Văn