Tốc độ tăng trưởng quý I đạt 4,96%

Thứ ba, 01/04/2014 23:28

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-4, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3-2014. Tham dự phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Chính phủ họp thường kỳ tháng 3-2014.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong quý I-2014, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường... do đó tình hình kinh tế-xã hội quý I-2014 tiếp tục có những chuyển biến đúng hướng, tích cực. Lạm phát tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước và có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, xuất khẩu quý I tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,96%... Quý I-2014 cũng ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, nay đã quay trở lại hoạt động, tăng 48,9% so với quí IV năm 2013.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và một số thành viên Chính phủ cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch để phát huy hiệu quả các nguồn vốn, đồng thời làm tăng tổng cầu; quan tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia đi đôi làm tốt công tác tái định cư, hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân vùng dự án; ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư xây dựng các cầu treo dân sinh; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, chế độ công chức, công vụ...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong xử lý nợ xấu, triển vọng xử lý khoảng 70 đến 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014 theo mục tiêu là hoàn toàn có thể thực hiện được, hiện tỷ lệ nợ xấu cũng đã giảm mạnh , còn khoảng 7%. Đồng thời, khẳng định Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp tái cấu trúc ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong quý II và thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục bám sát các nghị quyết, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ để triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ theo lĩnh vực, chức năng của mình. Trước mắt, cần quan tâm tăng tổng cầu đầu tư, tăng tín dụng gắn liền với đảm bảo chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm bố trí vốn đối ứng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm, nhất là các công trình giao thông.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng lớn; đẩy mạnh phát triển thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường mới để tăng xuất khẩu; chủ động, tích cực, sớm kết thúc thành công đàm phán đi đến ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, qua đó góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp với trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp; thực hiện hiệu quả hơn Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nông dân vay vốn phát triển sản xuất...

B.T – TTXVN

Tách MobiFone khỏi VNPT

Tại phiên họp báo Chính phủ được tổ chức chiều 1-4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết đã có kết luận về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tinh thần là đồng ý với đề nghị mà Bộ TT&TT đưa ra.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho hay, thời gian qua xã hội rất quan tâm tới đổi mới tái cơ cấu VNPT. Bởi, việc tái cơ cấu VNPT không chỉ ảnh hưởng tới khoảng 45.000 cán bộ công nhân viên chức của VNPT mà còn ảnh hưởng tới hàng chục triệu người sử dụng mạng VinaPhone và MobiFone.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tham mưu đã làm việc rất thận trọng khi đưa ra quyết định. Chiều 31-3, Đề án tái cơ cấu VNPT đã được thông qua với trọng tâm tách MobiFone ra khỏi VNPT. Như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trở thành đại diện chủ sở hữu VNPT và MobiFone. Thủ tướng cũng chỉ đạo nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa MobiFone theo đúng lộ trình.