"Tóc ngắn tóc dài" - đằm thắm tình người, nồng nàn tình nghề

Thứ ba, 21/06/2016 09:03

(Cadn.com.vn) - Ở vào tuổi "ngũ thập", Nguyễn Đức Nam mới tập hợp, tuyển chọn và xuất bản tập sách TÓC NGẮN TÓC DÀI (*) với 50 bài viết tâm đắc được gọi chung là "bút ký" nhưng thật ra nhiều thể loại (ghi chép, tản văn,  ký, phóng sự, tiểu luận...), đa dạng các loại đề tài sau 25 năm rong ruổi, lăn lộn, bươn chải đi và viết trong tư thế một nhà báo-phóng viên tâm huyết, gắn bó với nghề. Có lẽ tập sách ra đời với đôi chút mong mỏi và hy vọng "ghi lại được một điều gì đó" trong chặng đường dài nửa thế kỷ đời người và một phần tư thế kỷ đời nghề của chính tác giả?

Bìa tập sách "Tóc ngắn tóc dài".

Trên tất cả, những trang sách làm ta cảm thấy "ấm áp trái tim" như bài viết đầu tiên của tập sách. Ấm áp trái tim bởi đằm thắm tình người, và ấm áp trái tim bởi nồng nàn tình nghề-hai suối nguồn cảm xúc chủ đạo dạt dào tuôn chảy xuyên suốt kết dính những con chữ trong suốt 180 trang sách. Đằm thắm khởi nguồn từ những ký ức về tuổi thơ, gia đình và quê hương nguồn cội.

Tuổi thơ vất vả, gieo neo, nhiều nỗi buồn hơn niềm vui của một thế hệ trẻ thơ sinh ra trên những miền quê nghèo như Đại Lãnh (Đại Lộc, Quảng Nam) thời buổi chiến tranh khốc liệt máu lửa trước năm 1975, của đứa trẻ phải "30 năm xa cha", ao ước một lần biết mặt cha để rồi khi cha từ cuộc chiến trở về, lại phải đứt ruột nhìn cha vĩnh viễn ra đi trong nỗi ngậm ngùi xót xa của mẹ: "Con bơ vơ từ đó. Tháng ngày lặng lẽ, cặm cụi trôi đi. Càng thương giọt nước mắt cuối đời của cha bao nhiêu, con càng thương cho sự hẩm hiu của Mẹ. Mẹ của con còn chưa kịp ngắm nhìn hạnh phúc khi cha trở về sau chiến tranh, lại phải chia tay với cha một lần nữa. Cuộc chia tay vĩnh viễn. Nỗi đau xé lòng, nỗi đau nhân đôi. Vò võ cô đơn năm tháng còn lại nuôi một nách 4 đứa con nhỏ bươn bả qua thời khốn khó cùng cực của đất nước thời bấy giờ, dễ dầu gì ai đong đếm cho hết nỗi đau của Mẹ?".

Tuổi thơ khó nhọc của những đứa trẻ mới bảy, tám, mười mấy tuổi đầu đã có đôi chân trần trụi, tím tái theo chúng bạn trèo đèo lội suối bắt cá, đặt lươn, chặt củi, đốt than phụ thêm lon gạo, đồng tiền sách vở cho mẹ. Tuổi thơ ấy, có "bên kia là vùng giải phóng" đạn bom, chia ly, chết chóc; có "quê nội" với hình ảnh người bà qua sông theo chồng, và nỗi nhớ da diết khi Bà đi xa: "Rồi đây vào những trưa hè/ Vườn lặng yên thảng thốt nghe tiếng bà/ Tưởng rằng trong gió thoảng qua/ Bóng bà cặm cụi vun cà tưới rau"; có "ngoại" đã tuổi 90 với bàn tay  thô ráp, nhăn nheo vẫn thường ôm cháu vào lòng dúi cho cháu những trái ô ma ngọt đậm...

Và là hình ảnh những ngày "Tết ở quê nhà" làng xóm chung nhau chia thịt, đi chợ 30, cúng giao thừa trong cái nghèo, đơn sơ mà thiêng liêng ấm áp, là cảm giác nhớ nguồn nhớ biển mít non cá chuồn tha thiết khi phải xa quê sống đời sinh viên thời bao cấp cùng bạn bè được cho ăn mỗi bữa hai con cá chuồn mới nở, bằng ngón tay trỏ mà lại cảm thấy ấm lòng ấm dạ...

Và trong hiện tại, nó hóa thành nỗi trăn trở khi đứa con hiếu thảo buộc lòng phải đưa mẹ từ quê ra phố sống tuổi già mà hàng ngày phải nhìn thấy mẹ: "Con đi làm, cháu đi học. Mẹ thẫn thờ ngồi trong nhà nhìn ra ngõ. Nhà ở ngoại ô, phố vắng thưa người. Đôi mắt nhăn nheo mờ đục của mẹ nhìn về đâu vậy? Phải chăng đó là lúc mẹ mông lung nhớ quê da diết với vô vàn ký ức những ngày vất vả? Đó là ngọn đồi trước nhà, nơi có nấm mộ của cha mình đã chia tay gia đình gần bốn mươi năm trước, nơi có con đường nhỏ vắt qua cánh đồng nõn xanh lúa trổ đòng, nơi có mùi hương hoa cau ngan ngát đêm trăng trước ngõ, nơi quanh vườn lúc nào cũng chiêm chiếp tiếng gà con ùa chạy, nô đùa theo mẹ tìm mồi...".

Với tôi, những dòng này của Nguyễn Đức Nam đã chọc thẳng vào tim mình, hay như cách nói của Tổng thống B. Obama, thì là đã chạm vào con tim, bởi tôi cũng có một tuổi thơ như anh, và bây giờ là một người mẹ phải theo con ra phố sống như anh...

Cái nguồn lực cảm xúc ấu thơ ấy, chắc chắn cũng là nguyên nhân hình thành nên những trang viết ăm ắp yêu thương, bàng bạc lo âu xao xuyến từ sự thương tiếc cây mai vàng héo úa vì được chăm sóc quá kỹ trong Cây mai vàng, nỗi lo cho đàn chim én tan tác khi phải giải tỏa đài phun nước ở Tạm biệt chim én; đến nỗi vui to lớn khi chuyển nhà mà vẫn giữ được hàng xóm thân thiết cũ trong Như một cơ duyên, sự trân trọng tình thầy trò, những năm tháng sinh viên từ chiếc áo ân tình cô giáo giảng viên tặng ngày ra trường đã nghèo lại gặp ngặt của Số phận ưu đãi cho ai đến những ký ức trường lớp thầy trò ngày xưa trong Mãi mãi lời tri ân, Quả ngọt cho cả trăm năm, lòng tiếc thương một người chị tài năng bạc mệnh trong Những điều không thể nói bằng lời, nỗi lo thắt ruột trước số phận bi thương của đứa em một đời lam lũ vất vả nay lâm bệnh ngặt trong Phép màu nào cho em tôi... Và còn là tình vợ chồng, cha con tinh tế, sâu nặng mà cụ thể từ những sự việc rất đời thường như bàn chuyện bán nhà, cắt đi mái tóc dài của con gái hay không... trong Như một cơ duyên, Tóc ngắn tóc dài...

25 năm gắn bó với nghề báo, TÓC NGẮN TÓC DÀI dành khá nhiều trang viết về nghề (Cuộc đời bé lại, Kỷ niệm thân thương, Lính Ông Pha, Nỗi nhớ Chiangmai, Chưa đi chưa biết Lái Thiêu, Sơn nữ ở Cổng trời, Tác nghiệp đón nguyên thủ, Thăm Bắc Kinh - Thượng Hải, Trời quê biên cương...) và cả những sự kiện, nhân vật được anh tâm đắc có liên quan đến nghề (Danh hài Hoài Linh và quê ngoại Quảng Nam, Đi bộ vòng quanh trái đất, Đóa sen tinh khiết, Họ dường như không thể mất nhau, Thuyền trưởng Hachiba, Massage ở Hà Nội, Nick Vujcic Việt Nam, Trả nợ cho Mr Đàm, Nơi nương tựa đời người...).

Và, gắn bó với Đà Nẵng, yêu mến và tự hào về Đà Nẵng ngày xưa và hôm nay, Nguyễn Đức Nam cũng dành khá nhiều trang viết đầy trân trọng đối với thành phố quê hương (Ngỡ ngàng Đà Nẵng, Nhà chồ ngày ấy bây giờ, Cảm xúc từ những nhịp cầu...). Yêu thơ, và cũng là một người làm thơ, anh có những bài viết tuy ngắn nhưng không kém phần tinh tế và sâu về thơ và người làm thơ (Đọc "Ẩn dụ mưa", "Nhà thơ nhân dân").

Dù viết theo thể loại nào, về đề tài gì, ở TÓC NGẮN TÓC DÀI, bài nào của Nguyễn Đức Nam ta cũng đều thấm thía một chữ Tình sâu nặng và trọn vẹn. Tưởng chừng như tác giả không hề cố ý làm văn chương, không cố tình chọn hình ảnh chi tiết, mà tất cả đều tự nó đến, một cách tự nhiên, như những điều được chọn lọc, tái hiện và bật lên từ sâu thẳm tâm hồn đi thẳng vào trang viết, và tự nó làm nên sức gợi sức cảm cũng như ấn tượng và sự chiêm nghiệm suy tư.

Và ở anh thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp sự... triết lý nhẹ nhàng, kiểu mượn câu danh ngôn "Số phận thường không ưu đãi những tâm hồn quảng đại, nhưng đôi khi nó cũng biết cách đền bù" ở Số phận ưu đãi cho ai hay suy ngẫm chuyện được mất vô cùng của cuộc đời ở Tôi và Câu chuyện Tái Ông thất mã, Con cá lóc tật nguyền...

Bắt đầu là đọc một cuốn sách, nhưng cuối cùng ta lại bắt gặp một con người, một tâm hồn-khép lại TÓC NGẮN TÓC DÀI của Nguyễn Đức Nam, bất chợt tôi nhớ đến câu nói vô cùng thấu đáo ấy, nhất là với những trang viết này...

Nguyễn Kim Huy

* Đọc "TÓC NGẮN TÓC DÀI", BÚT KÝ Nguyễn Đức Nam, NXB Đà Nẵng -2016.

Sách có bán tại Nhà sách Phương Nam (252-254 Lê Duẩn - Đà Nẵng)
và Trung tâm Thương mại  Vincom Ngô Quyền - Đà Nẵng.