“Tôi đến từ Báo Công an TP Đà Nẵng, xin hỏi...”

Thứ năm, 17/08/2017 11:08

Tôi nhớ, đó là một buổi chiều muộn năm 2006, đang ngồi ở Ban Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đọc tin về việc người dân Thủ đô Hà Nội cắt tỉa hoa, cây cảnh chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC, nhìn qua cửa thấy chị Hoàng Kim Dung, Phó Tổng Biên tập phụ trách Ban vẫn đang lúi húi làm việc...

Phóng viên các báo tác nghiệp tại một hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017.

Bỗng nhiên một ý tưởng lóe lên trong đầu: Dễ gì Việt Nam được đăng cai APEC, cứ luân phiên thì phải 20 năm nữa mới có, lúc đó biết có còn cơ hội hay không. Thế là tôi tiến vào, gõ cửa, đề đạt nguyện vọng: “Chị, cho em đi dự APEC nhé”! Phó Tổng Biên tập Hoàng Kim Dung ngẩng mặt lên, hỏi lại, cũng rất ngắn gọn: “Hả?”.

Sau một vài thủ tục, cuối cùng tôi cũng có cơ hội đi Hà Nội. Tôi gói mấy bộ áo quần, lúc đó mới nhận ra chưa bao giờ có một bộ đồ tây! Chạy vội ra chợ Đống Đa, mua một chiếc áo sơ-mi, rồi bắt xe đò đi Hà Nội. Hết vé, phải ngồi trên ghế nhựa, chờ tới Quảng Bình có người xuống thì lên ghế nệm ngồi. Suốt cả một hành trình, ôm khư khư chiếc ba lô, tự trách bản thân: Ngu quá! Bởi lẽ, sau phút hào hứng, tôi nhận ra mình không những không có tiền đã đành lại còn thiếu đủ thứ. Căng nhất là không có thẻ nhà báo, dù đã được Phó Tổng Biên tập Nguyễn Đức Dũng gọi điện gửi gắm cho lãnh đạo Cục Báo chí, nhưng vẫn run.

Vừa xuống bến xe Nước Ngầm, Hà Nội, tôi thuê xe ôm chạy vội đến Cục Báo chí trình giấy tờ, chỉ có mỗi giấy CMND và giấy giới thiệu. Người tiếp nhận lúc ấy là một chị trung niên, cũng tên Dung, nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, thốt lên: Sao lại cử một ông không có thẻ nhà báo đi dự APEC thế này! Tôi lo cuống quýt. Có lẽ vì thấy tôi hơi... ngố, nên chị giúp rất nhiều. Tôi thấy chị gọi điện cho Bộ Ngoại giao, rồi đến Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, rồi ai nữa tôi không rõ. Phải đến hơn một giờ sau, chị mới cười, bảo: “Đặc biệt đấy, phóng viên duy nhất ở APEC không thẻ nhà báo”. Nghe vậy, biết là được chấp nhận, tôi mừng rối rít. Bất chợt chị hỏi: “Mà này, em ở nhà công vụ à?”. “Dạ không, em không có tiêu chuẩn”. “Thế ở đâu?”. “Em ở nhà bạn, trên đường Nguyễn Trãi”. Chị mỉm cười, rồi hẹn tôi có thẻ hội nghị sẽ báo. Bước xuống khỏi cầu thang căn nhà cũ kỹ của Cục Báo chí, tôi lâng lâng một cảm giác thật khó tả, thấy như yêu hơn Thủ đô yêu dấu!

Những ngày ở Hội nghị APEC, sau mỗi sự kiện, hoặc sau họp báo, hoặc lúc cuối ngày, tôi tìm quanh, chẳng thấy phóng viên nào ở Đà Nẵng ra để trò chuyện, học hỏi, rồi tìm xem ở miền Trung có ai không, cũng không thấy. May mắn thay, thấy một người trẻ nhìn cũng... hơi giống tôi! Thế là bắt chuyện, biết được Nguyễn Mạnh Hùng ở Báo Hải quan. Bắt chuyện một lúc, quen thêm anh Đậu Huy Sáu ở Thời báo Tài chính. Thực ra, cũng bởi một điều không lấy gì làm tự hào lắm. Đó là nhóm anh em chúng tôi thuộc hàng “chiếu dưới”, không được cấp một loại thẻ gọi là “pool” để tác nghiệp ở những khu vực quan trọng, như các cuộc họp cấp nguyên thủ.

Tác giả tại buổi khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(Quảng trường Ba Đình, ngày 10-10-2010)

Mấy anh em “chiếu dưới” chúng tôi biết thân biết phận nên hoạt động rất cần mẫn, không tập trung vào những cuộc họp, mà thấy ai loáng qua, quen quen là xin phỏng vấn ngay. Trong một lần như vậy, không hiểu sao, tôi lại được dẫn đến khu vực trả lời phỏng vấn (hạn chế số lượng phóng viên) của bà Susan Schwab, Đại diện Thương mại Mỹ. Đây là nhân vật số 3 của đoàn Mỹ tại APEC Hà Nội 2006, sau Tổng thống Goerge Bush và Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Tôi may mắn chen vào giữa các phóng viên quốc tế đặt được một câu hỏi và được bà trả lời. Sau họp báo, hớn hở đi ra, viết gấp để gửi về tòa soạn. Bỗng một người vỗ vỗ lên vai, anh ta nói: “Này cậu, cậu bóc băng phỏng vấn bà Susan Schwab chưa, cho mình tham khảo với”. Tôi vui vẻ: “Dạ, em vừa bóc xong, anh xem này”. “Hay cậu copy cho tớ vào USB, tí nữa tớ xem”. Nghe nói vậy, tôi đồng ý ngay. Bất ngờ, khoảng vài phút sau, có lẽ chưa đến hai phút, mở một tờ báo mạng ra, tôi hoảng hồn phát hiện ra bài viết của mình (“Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab: PNTR không phải là món quà”) đã được đăng, nguyên văn, không khác một từ, chỉ khác mỗi tên tác giả! Không thể nào tin được. Thế là, tôi phải gọi điện về tòa soạn, đề nghị thay bằng bài viết khác, vừa viết lại vừa như muốn nổ tung.

Hôm gần kết thúc hội nghị, nhóm anh em “chiếu dưới” chúng tôi không được vào khu vực chụp ảnh các nguyên thủ quốc gia trước khi diễn ra tiệc chiêu đãi (gọi là Gala Dinner), đành ngậm ngùi ôm mấy cái máy ảnh “cùi bắp” đứng nhìn đồng nghiệp báo lớn lần lượt được mời qua cửa an ninh vào khu vực tác nghiệp. Nhìn lại thì chẳng thấy anh Đậu Huy Sáu đâu cả. Tôi nói với Nguyễn Mạnh Hùng: "Hay là bác Sáu kiếm được thẻ rồi". Hùng cũng chung nhận định. Cả hai mừng mừng, ít ra cũng được một người “có số”. Lúc sau, anh Đậu Huy Sáu khệ nệ bưng một chiếc máy ảnh to đến. Tôi hỏi: “Thế nào, anh chụp được Gala Dinner không, cho em xin tấm”. Đậu Huy Sáu ngoảnh lên, đầy vẻ tự hào: “Chú cứ đùa! Mấy hôm nay xin thuốc của chú, chẳng lẽ không kiếm được cái ảnh gửi vào miền Trung”! Tôi mừng, may mà có cái ảnh gốc, gửi về tòa soạn cho đỡ... ngậm ngùi. Nhưng khi xem, thấy người trong ảnh giả giả thế nào ấy, có vẻ chiều cao và bề ngang không hợp lý lắm, dù ảnh nét căng. “Anh Sáu ơi, anh chụp thế nào mà trông người ta thế nào ấy”. Đậu Huy Sáu nhìn tôi, cười bẽn lẽn: “Thì anh chụp qua màn hình tivi mà. Anh em mình làm gì được cấp thẻ!”.

Lúc ấy, một cảm giác lan khắp người, thương quá, những anh em “báo nhỏ”.

Nhưng cảm giác cũng qua mau, chúng tôi lại lao đi phỏng vấn, ghi chép, hăng hái gấp đôi, gấp ba những đồng nghiệp được tạo điều kiện tốt hơn. Chúng tôi vẫn mạch lạc khi giới thiệu tên tờ báo của mình trước mỗi lần phỏng vấn với tất cả tình cảm mến yêu xen lẫn tự hào. Cho đến bây giờ, mỗi khi đọc lại những tin bài tác nghiệp ở APEC Hà Nội 2006, tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác ấy.

Sau này, rất nhiều lần tôi đi Hà Nội đưa tin về các sự kiện, như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội nghị Cấp cao ASEAN... Mỗi khi có dịp đặt câu hỏi phỏng vấn, tôi thường bắt đầu bằng câu: “Tôi đến từ Báo Công an TP Đà Nẵng, xin hỏi...”.

NGUYỄN LÊ