Tôi đi chợ chiếu Bàn Thạch
Chợ chiếu chỉ đứng bán chứ không ngồi.
(Cadn.com.vn) - Chợ Bàn Thạch, xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên vốn là một trong những phiên chợ nổi tiếng ở Quảng Nam, bởi ở đây chỉ có một sản phẩm độc đáo duy nhất là những đôi chiếu truyền thống. Phiên chợ chiếu ở đây chỉ diễn ra từ 5 giờ đến khoảng 8 giờ mỗi ngày...
4 giờ sáng một ngày cuối đông, khi đường phố Hội An đang chìm trong im lặng, tiếng xe máy của chúng tôi phá tan màn đêm xuôi về bến đò Hội An để theo đó xuống Cẩm Kim, sang Duy Vinh đi chợ Bàn Thạch. 5 giờ sáng, trong lờ mờ hơi sương cộng cái lạnh tê tái của tiết trời đông, tiếng nổ của những chiếc xe máy, tiếng ọp ẹp của những chiếc xe đạp cà tàng, tiếng máy của những chiếc ghe... lần lượt vang lên rồi đổ về chợ. Cả khu chợ bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, tiếng người gọi nhau í ới. Trong lờ mờ ánh điện, tấp nập kẻ bán người mua. Tiếng trả giá, tiếng chê đắt, khen rẻ xôn xao cả một vùng.
Điều lạ hơn cả là hầu hết những người tham gia phiên chợ đều đứng để mua, bán chứ không phải ngồi hay bán trong những quầy hàng như những phiên chợ các nơi khác.
![]() |
Chỉ mới 5 giờ sáng, chợ chiếu Bàn Thạch đã tấp nập kẻ bán người mua. |
Chợ chiếu Bàn Thạch còn một đặc điểm lạ nữa là hầu hết những người đến chợ này không phải để mua chiếu về sử dụng. Phần là vì phiên chợ đông sớm, rồi tan cũng nhanh, phần khác ở đây người ta chủ yếu là bán sỉ, người mua là những “con buôn” lớn nhỏ thu gom chiếu rồi mang đi bán dạo ở các huyện, thị trấn khác như Thăng Bình, Đại Lộc hay xa hơn là vận chuyển lên Nông Sơn, Quế Sơn, Tam Kỳ, Đà Nẵng... để kiếm lời. Một số thương lái lớn hơn lại đánh cả ô-tô về đây tìm mối hàng để mang đi các tỉnh khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên bán. Chị Lê Thước (50 tuổi, trú thôn 2, xã Duy Nghĩa) vừa kể vừa so sánh: “Tui đi buôn chiếu từ lúc 15 tuổi. Hằng ngày cứ 3 giờ là bắt đầu gánh chiếu đi bộ từ Duy Nghĩa lên Hà Lam bán dạo.
Hồi đấy chiếu dệt từ cây đay, cây cói là thứ luôn được người dân ưa chuộng, nhưng bây giờ, chiếu này thuộc về nhà nghèo thôi, chứ nhà khá giả họ dùng chiếu nhựa, chiếu trúc... hết rồi”. Một chị ở bên cạnh cũng xen vào câu chuyện: “May mà nhờ còn có những người thu mua rồi đưa đi các vùng quê khác tiêu thụ giúp, chứ nếu bán ở cái vùng quê này chắc chúng tôi bỏ nghề hết”. Ở nông thôn, đời sống không được sung túc như thành thị, chính vì vậy việc mua sắm của những người dân cũng phải e dè. Ngày thường thì kiếm cơm qua bữa, cuối năm cũng là dịp để người ta làm ăn hòng kiếm ít tiền sắm Tết cho sung túc hơn. Nhiều người ở xa phải dậy từ sáng sớm, đạp xe hàng chục cây số trên những con đường đất lầy lội bùn trơn, chi chít ổ gà, ổ voi để kịp đến phiên chợ.
Phải nói rằng, chợ chiếu Bàn Thạch là nguồn cung cấp chính cho thị trường khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng và cả miền Trung, bởi không chỉ hoa văn đẹp và rất chắc chắn, mà những làng chiếu này vốn đã có truyền thống và nổi tiếng từ lâu. Tương truyền, vào đầu thế kỷ thứ XVI, một số tộc họ từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Thái Nguyên di cư vào Nam mở vùng đất mới. Khi qua ải Vân Quan đến địa hạt phủ Thăng Hoa (Quảng
![]() |
Chất chiếu lên xe để đưa đi tiêu thụ. |
Cho nên kể từ những ngày đó, nghề dệt chiếu ở đây đã được coi như một cái nghề của nhiều gia đình, một số gia đình khác lại coi như nghề phụ vào mùa nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Bà Trần Thị Quận (86 tuổi, trú thôn 2, xã Duy Nghĩa) kể: “Nghề dệt chiếu ở đây có từ lâu lắm rồi, hồi tui 10 tuổi đã bắt đầu học dệt chiếu do ông nội dạy cho. Ngày xưa, mỗi ngày tui dệt được 3 đôi, bây giờ sức khỏe yếu, mỗi ngày cố lắm cũng chưa được một đôi mà cũng nhờ con cháu giúp đỡ...”.
Chợ Bàn Thạch không chỉ tiêu thụ sản phẩm chiếu của xã Duy Vinh, người dân các xã lân cận như Cẩm Kim (Hội An), Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Châu (H. Duy Xuyên) cũng đưa chiếu về chợ này để bán. Mỗi năm, chợ chiếu Bàn Thạch cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn đôi chiếu đẹp, với chất lượng, mẫu mã phong phú như: in hình hoa văn tháp Mỹ Sơn, Chùa Cầu... và được đưa đi nhiều nơi để quảng bá, dự các hội chợ... Cũng từ những phiên chợ này đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho nhiều người dân nông thôn thuần phác. Một số khác đi theo nghề bán chiếu dạo, buôn chiếu, thậm chí có người nhờ vậy mà trở thành những chủ cửa hàng chiếu khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Phiên chợ cuối năm nên chiếu cũng bán nhanh hơn, chưa đến 7 giờ sáng đã thưa người. Những người vừa bán được chiếu tranh thủ đi sắm đồ Tết. Những người đã mua được chiếu lại nhanh chóng xếp lên xe, hay đưa xuống thuyền tiếp tục đi bán. Sớm cuối đông, khi phiên chợ đã tan, vẫn văng vẳng đâu đó câu ca dao như gọi mời:
“Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm
Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”.
Anh Tuấn