Tôi đọc "Người thầy đầu tiên"...
(Cadn.com.vn) - Thời học cấp II, tôi rất thích đọc những tác phẩm văn học Nga. Và tuổi thơ tôi gắn liền với những trang sách của "Cánh buồm đỏ thắm", "Khi đàn sếu bay qua"... Ước mơ về những điều tốt đẹp trong những quyển sách đó đã nuôi dưỡng ước mơ trong sáng trong tâm hồn đứa trẻ là tôi. Trong kho tàng văn học Nga đồ sộ ấy, tôi đặc biệt thích thú với câu chuyện "Người thầy đầu tiên" của nhà văn Aimatôp trong tập truyện "Giamilia-chuyện núi đồi và thảo nguyên". "Người thầy đầu tiên" đã đi vào tâm khảm của tôi những ngày niên thiếu, và như một duyên kỳ ngộ, bởi sau này khi là một giáo viên văn, đứng trên bục giảng, tôi lại say sưa giảng cho học trò về đoạn trích "Hai cây phong" từ tác phẩm này... Tôi càng thấu hiểu hơn, những câu chữ và hiểu biết về tác phẩm "Người thầy đầu tiên", sự trải nghiệm trong nghề, và hơn cả là từ những trang sách ấy mở ra cho tôi những chân trời mới...
![]() |
Nhà văn Aimatôp |
Hình ảnh hai cây phong và thầy giáo Đuysen đã "ám ảnh" tâm trí người đọc. Tác giả Aimatôp đã hóa thân vào nhân vật họa sĩ để cảm nhận bằng sự rung động của một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú của một người nghệ sĩ. Hai cây phong chính là biểu tượng đẹp của con người dân làng Ku-ku-rêu với sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, với tâm hồn trong sáng và phong phú. Nơi ấy, đã sáng ngời một nhân cách tuyệt vời về thầy giáo Đuysen. Người chiến sĩ Hồng quân Đuysen đã về vùng biên ải để dạy cho cô học trò Antưnai những nét chữ và con số đầu tiên. Và chính thầy giáo Đuysen là bài học đầu tiên về nhân cách làm người cao cả của Antưnai, của những học trò làng Ku-ku-rêu. Đuysen đã hy sinh tất cả để Antưnai rộng bước trên con đường khoa học. Cuối đời, Đuysen chỉ làm một ông già đưa thư nhưng những gì mà anh đã cống hiến cho đất nước thật vinh quang. Hình ảnh hai cây thông mà Đuysen cùng Antưnai trồng trên đồi lộng gió, vững vàng trong bão tuyết chính là hình ảnh của thầy đã lung linh giữa đất trời... Câu chuyện là lời hàm ơn của người trò nhỏ đối với người thầy giáo trẻ làm chúng ta gợi nhớ đến những tình cảm thiêng liêng của người thầy giáo cao thượng, nhân từ. Thầy giáo Đuysen đã gieo vào lòng cô bé Antưnai, và cả tôi-người đọc tác phẩm, một niềm tin, nghị lực trong cuộc đời... Tiếng gọi người thầy yêu quý Đuysen trong lần gặp gỡ cuối cùng với Antưnai đã vọng mãi theo đoàn tàu, theo mãi hành trình cuộc đời của Antưnai, một viện sĩ Xô Viết nhưng với thầy giáo Đuysen, mãi mãi, Antưnai vẫn là một cô học trò bé bỏng, một ngọn lửa nhỏ trong lòng Đuysen... Thật sự, người thầy giáo ấy đã thành công khi đã làm được điều cao quý nhất của người thầy, đó là hoàn thành sự nghiệp "trồng người"...
Ra đời vào những năm 1961, tác phẩm "Người thầy đầu tiên" đã gây được tiếng vang lớn khi nhận giải thưởng danh dự "Giải thưởng Lênin". "Người thầy đầu tiên" từng làm rung động trái tim của biết bao thế hệ độc giả. Đọc "Người thầy đầu tiên", có lẽ trong lòng người đọc sẽ khắc sâu về lòng biết ơn vô hạn đối với thầy giáo Đuysen - người đã hy sinh tất cả để vun trồng mơ ước, hy vọng cho những thế hệ tương lai. Dù ở đâu trên trái đất này, vẫn luôn khẳng định rằng: Tình thầy trò là tình cảm cao quý, thiêng liêng mà thật gần gũi, ấm áp. Bác Hồ kính yêu đã nói "Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề đáng quý nhất" bởi mãi mãi, thầy cô giáo là những người "kỹ sư tâm hồn" và suốt cuộc đời, tôi vẫn cứ nhớ mãi những trang văn đằm thắm nhân hậu của tác phẩm "Người thầy đầu tiên" của Aimatôp.
Thảo Nguyên