Tội phạm lừa đảo liên tục tung chiêu thức, thủ đoạn mới

Thứ năm, 28/07/2022 07:31
Từ đầu năm 2022 đến nay, tại nhiều tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên nổi lên tình trạng lừa đảo đưa người lao động sang Campuchia để “sang tay” cho một số công ty khai thác gỗ, sòng bạc, thậm chí các công ty trá hình hoạt động tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Bên cạnh đó, những thủ đoạn lừa đảo “phiên bản cũ” như: “chốt đơn hàng”, “đầu tư tiền ảo", "chuyển tiền nhầm", "gửi lệnh truy nã", vẫn tiếp tục giăng bẫy để “săn” những người nhẹ dạ cả tin. Thực trạng trên cho thấy, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án.
Thông tin về thủ đoạn lừa đảo được cảnh báo trên mạng xã hội.

Chị Trí (đứng giữa) bị mất tích khi sang Campuchia làm việc.

Phương thức, thủ đoạn lừa đảo thay đổi “theo thời”

Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Nam, từ cuối năm 2021 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận 10 vụ việc người lao động “chui” sang Campuchia yêu cầu cần được giải cứu và mất tích. Hầu hết các nạn nhân đều cho biết, họ bị kẻ xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép sang Campuchia với lời hứa làm việc mức lương cao. Tuy nhiên, khi qua đây, họ bị đối tượng xấu bóc lột sức lao động, đánh đập, buộc nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về. Đơn cử, đầu tháng 7-2022, Công an huyện Thăng Bình nhận đơn trình báo về việc chị Hoàng Thị Trí (2004) qua Campuchia làm ăn rồi “mất tích”.

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp Công an huyện Quế Sơn bắt khẩn cấp đối tượng Trương Công Duy (1992, trú xã Quế Châu, H. Quế Sơn) để điều tra hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. đầu tháng 4-2022, Duy rủ rê 2 thanh niên cùng địa phương sang Campuchia làm việc cho Cty của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hiền (1989, cư trú tại Campuchia). Bước đầu, Duy khai được một phụ nữ tên Hiền (ở Campuchia) nhờ tìm người lao động đưa sang Campuchia làm việc và được trả 5 triệu đồng môi giới. Sau đó, Duy dùng mạng xã hội đăng thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 800USD/tháng. Bằng cách đó, Duy đã tổ chức đưa và giới thiệu 7 người sang Campuchia và nhận được 35 triệu đồng từ Hiền.

Tương tự, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh này cũng cho hay đã tiếp nhận hơn 10 đơn trình báo của người dân liên quan đến việc con, em mình bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trái phép và rất nhiều vụ việc lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên “chốt đơn hàng” trên các trang thương mại điện tử giả mạo.

Anh T. (trú TP Huế), một nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc sau khi được gia đình chuộc về nước đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc. Theo anh T., vì muốn có việc làm nên đã nghe theo các đối tượng xấu sang Campuchia. Thế nhưng, sau hơn 1 tháng bị giam lỏng, vì không chịu nổi cuộc sống ở đây, anh đã cầu cứu gia đình bỏ số tiền hơn 60 triệu đồng để chuộc anh về Việt Nam.

Còn chị Nguyễn Thị H. (1995, trú P. Trường An, TP Huế) bị lừa chiếm đoạt 120 triệu đồng bởi các đối tượng sử dụng “phiên bản cũ” là tuyển cộng tác viên “chốt đơn hàng” trên trang thương mại điện tử giả mạo. Ban đầu, các đối tượng “câu nhử” chị T. bằng 2 đơn hàng đầu tiên đều được hoàn tiền gốc và “hoa hồng”. Thế nhưng, khi chị H. “chốt đơn hàng” thứ 3, 4, 5 thì các đối tượng không chuyển tiền gốc và “hoa hồng” ngay mà viện nhiều lý do yêu cầu chị H. mua thêm nhiều đơn hàng khác mới chuyển khoản lại với số tiền cao hơn. Khi chị H. “chốt đơn” với tổng số tiền lên đến 120 triệu đồng thì các đối tượng cắt đứt liên lạc và chiếm luôn số tiền của chị.

Thông tin về thủ đoạn lừa đảo được cảnh báo trên mạng xã hội.

Cần quyết liệt hơn trong công tác phòng chống tội phạm lừa đảo

Trước thực tế này, cơ quan Công an và các ngành chức năng liên tục phát đi thông báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để. Nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, chưa tới được đối tượng có nguy cơ cao. Người dân chưa tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin nên dễ bị tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, đa dạng, trong khi một bộ phận người dân trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin, chủ quan, lơ là.

Do đó, để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiệu quả thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành, các địa phương và nhất là nâng cao sự cảnh giác cho người dân. Chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần được duy trì thường xuyên; kịp thời thông báo những phương thức, thủ đoạn của tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng phòng ngừa đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cũng cần được thường xuyên thông báo về hành vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản để đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; thường xuyên rà soát, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo như: đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng... khắc phục sơ hở, thiếu sót, bất cập nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động.

QUANG PHÚC