Tội phạm ma túy vùng biên diễn biến rất phức tạp
Đó là đánh giá của các đại biểu tại hội nghị các Văn phòng liên lạc qua biên giới Việt Nam (BLO) toàn quốc do Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (CSMT) Bộ Công an (CA) phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc khu vực (UNODC) tổ chức tại TP Huế (TT- Huế) trong 2 ngày 10 và 11-6. Báo cáo tại hội nghị này cho thấy, tội phạm ma túy trên các đường biên giới Việt Nam ngày càng diễn biến rất phức tạp và còn tiềm ẩn rất lớn.
Đại diện của 19 Văn phòng BLO toàn quốc tham dự hội nghị. |
Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp
Đại tá Đỗ Đức Bình- Phó Cục trưởng CSMT cho rằng, ma túy và hoạt động tội phạm ma túy đã trở thành vấn nạn chung của toàn cầu, gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các tuyến hành lang kinh tế đã và đang đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà các băng, nhóm tội phạm lợi dụng để hoạt động ma túy. "Các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng manh động và quyết liệt, chúng luôn tìm mọi cách mở rộng địa bàn, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để đối phó với lực lượng chức năng. Điều này càng làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng cam go, quyết liệt, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có các giải pháp phù hợp, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này", Đại tá Đỗ Đức Bình nhấn mạnh.
Tuyến biên giới Việt- Lào dài hơn 2.000km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Quảng Nam, TT-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La và Điện Biên); tiếp giáp 11 tỉnh biên giới của bạn. Toàn biên giới có 10 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính và 14 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, còn có hàng trăm đường tiểu ngạch và hàng ngàn đường mòn qua lại biên giới. Theo Đại tá Đỗ Đức Bình, Việt Nam là quốc gia ở gần khu vực có "Tam giác vàng" và "Trăng lưỡi liềm vàng", đây là 2 trung tâm sản xuất, mua bán ma túy lớn trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động tội phạm ma túy ở các khu vực này. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, hoạt động tội phạm về ma túy ở các khu vực khác trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam làm cho tình hình tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội về ma túy ở Việt Nam trong những năm qua có diễn biến phức tạp; bọn tội phạm triệt để lợi dụng các tuyến biên giới để mua bán, vận chuyển ma túy. "Nhiều đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam đã móc nối mua bán, vận chuyển ma túy trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển đi nước thứ ba", Đại tá Đỗ Đức Bình thông tin.
Theo báo cáo của Văn phòng BLO Nghệ An, từ năm 2017 đến tháng 5-2019, tình hình mua bán, thẩm lậu ma túy qua biên giới Việt- Lào vào Nghệ An tiêu thụ hoặc trung chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ tiềm ẩn lớn. Đáng chú ý, lượng ma túy tổng hợp từ Lào vào Nghệ An ngày càng nhiều do tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp ở Lào gia tăng, giá chỉ bằng ½ lần so với trước đây. Chỉ trong hơn 2 năm, CA tỉnh Nghệ An đã khám phá 156 chuyên án, vụ án mua bán trái phép chất ma túy, bắt 252 đối tượng, thu 284 bánh heroin, 857,5 kg ma túy dạng đá... Đặc biệt, đầu năm 2019, đã phát hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ với số lượng ma túy "khủng", có người nước ngoài tham gia, có dấu hiệu hoạt động xuyên quốc gia, cụ thể CA tỉnh Nghệ An đã triệt xóa 1 đường dây, bắt 3 đối tượng, thu 700 kg ma túy đá; phối hợp với Cục CSMT Bộ CA, CA Hà Tĩnh triệt xóa 1 đường dây bắt 5 đối tượng thu giữ 600 kg ma túy đá và 40 bánh heroin. Bên cạnh đó, tình trạng một số người Mông Việt Nam di cư sang Lào lâu năm mang theo vũ khí "nóng", lợi dụng đường tiểu ngạch trở về thăm thân nhân đưa ma túy từ 3- 5 bánh và ma túy tổng hợp về, rồi lén lút mua bán trong rừng rậm ở các huyện biên giới như Tương Dương và Kỳ Sơn... Mới đây nhất, vào tháng 4-2019, tại huyện biên giới Kỳ Sơn, CAH Kỳ Sơn (Nghệ An) phối hợp với cơ quan Hải quan địa phương phá Chuyên án 419L, triệt xóa đường dây mua bán ma túy Lào vào Nghệ An, bắt 2 đối tượng, thu giữ 3 bánh heroin, 0,5 kg ma túy đá và 6.000 viên ma túy tổng hợp.
Cặp vợ chồng trong Chuyên án 419L bị bắt giữ khi đưa ma túy từ Lào về Nghệ An tiêu thụ. |
Chung tay ngăn chặn tội phạm vùng biên
Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động 19 Văn phòng BLO tại 12 tỉnh biên giới, gồm: An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. "Việc thành lập các Văn phòng BLO trên tuyến biên giới Việt Nam với các nước đối biên là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, là một trong những kênh trao đổi thông tin quan trọng, hỗ trợ tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các lực lượng phòng, chống ma túy 2 nước ngày càng gắn bó và phát triển. Nhờ vậy, đã có nhiều vụ án ma túy lớn, có yếu tố nước ngoài được phát hiện và ngăn chặn kịp thời", Đại tá Đỗ Đức Bình khẳng định.
Theo báo cáo của BLO Việt Nam, trong 2 năm 2017 và 2018, kết quả phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ các lực lượng chức năng, điều tra bắt giữ tội phạm về ma túy với 4.532 vụ, 6.232 đối tượng; thu giữ 1.046 bánh và một số lượng rất lớn heroin, ma túy đá, thuốc phiện dạng khô, thuốc phiện dạng tươi, ma túy tổng hợp...
Phát biểu tại hội nghị, Ngài Igor Kondratyev - đại diện UNODC cho rằng, tội phạm xuyên quốc gia ngày càng mở rộng nhưng nguồn lực của các quốc gia lại có hạn nên đòi hỏi sự hợp tác của các quốc gia để ngăn chặn các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy. Thông qua các khóa tập huấn, cung cấp trang thiết bị đã giúp cán bộ các Văn phòng BLO của Việt Nam thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin, phát triển nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác PCTP dọc biên giới.
Đại tá Đỗ Đức Bình khẳng định, hội nghị lần này cũng nhằm khẳng định quyết tâm mạnh mẽ và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế với UNODC, các quốc gia trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển. Đồng thời, là dịp để các Văn phòng BLO cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, lợi thế, khó khăn và thách thức để tìm ra giải pháp nhằm nâng cao hoạt động công tác đấu tranh, PCTP và ma túy qua biên giới.
HẢI LAN