Tôm hùm chết do nuôi mật độ dày
Hơn một tháng qua, tôm hùm nuôi tại khu vực đảo Lao Mái Nhà (xã An Hải, H. Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị bệnh và chết. Mặc dù cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân bệnh; hướng dẫn phác đồ phòng và điều trị bệnh cho tôm hùm, nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Anh Trần Hoàng Kỵ, ở xã An Hải, H. Tuy An thả nuôi 500 con tôm hùm tại khu vực đảo Lao Mái Nhà đã hơn 10 tháng nhưng đến nay khoảng một nửa số tôm nuôi đã chết và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Để cứu tôm, anh Kỵ đã san thưa tôm sang nhiều lồng khác nhau, thường xuyên theo dõi tôm. Đối với những con có trọng lượng trên 0,5 kg thì xuất bán để giảm thiệt hại.
Anh Trần Hoàng Kỵ cho biết: Tôm năm nay bị bệnh đen mang. Từ tháng 11-2018 tới nay, có hiện tượng tôm chết, tỷ lệ chết là khoảng 50%, có lồng 80%. Riêng bệnh đen mang ở tôm rất khó chữa. Tôm hùm đủ 0,5 kg trở lên thì người nuôi thường xuất bán để gỡ vốn. Tương tự, anh Võ Văn Phụng ở xã An Hải, H. Tuy An thả nuôi 400 con tôm hùm thì đến nay đã chết khoảng 150 con. Tôm chết có những con đạt trọng lượng từ 0,5-0,6 kg/con. Tình trạng này khiến gia đình thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên): Kết quả phân tích mẫu tôm và thống kê cho thấy, tôm hùm nuôi ở khu vực Lao Mái Nhà tôm hùm chết do bệnh đen mang. Tỷ lệ tôm nuôi chết bình quân là hơn 20%. Số lồng có tôm chết nhiều từ 50-80% như người dân phản ánh chỉ là cục bộ ở một số hộ. Chi cục đã đưa ra phác đồ, hướng dẫn người nuôi cách điều trị bệnh cho tôm. Bên cạnh đó, người dân cần chú ý đến môi trường vùng nuôi vì đây là nguyên nhân dẫn đến tôm bị bệnh.
Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên) cho biết: Bệnh đen mang do vi khuẩn và một số nhóm nấm gây ra, do đó cần phân loại từng chủng để điều trị cho tôm được hiệu quả. Việc xuất hiện vi khuẩn và nấm gây bệnh là do tôm được nuôi ở mật độ dày. Người nuôi chưa thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, để cho hàu và thức ăn thừa bám lại khá nhiều. Khi môi trường thay đổi, có chuyển biến xấu dẫn đến gây bệnh đen mang trên tôm hùm thời gian qua tại khu vực đảo Lao Mái Nhà. Trong quá trình nuôi, tôm chưa được cho ăn các loại thức ăn có nhiều vitamin để tăng sức đề kháng.
Qua kết quả quan trắc môi trường ở các vùng nuôi tôm hùm tại Phú Yên cho thấy: Hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp và mật độ Vibrio spp vượt giới hạn cho phép. Do vậy người nuôi cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tôm nuôi (nhất là khi trời đứng gió). Đặc biệt, người dân chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước (nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan...) để điều chỉnh khoảng cách và mật độ tôm nuôi trong lồng cho phù hợp; tăng cường vệ sinh môi trường khu vực nuôi tôm.
THẾ LẬP