Tôn tạo mộ danh nhân bác học Alexandre Yersin: Trái Luật Di sản văn hóa

Thứ ba, 22/11/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-11-2011, Giáo sư-tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm-Chủ tịch Hội Ái mộ A. Yersin thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa ký văn bản khẩn cấp kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa: cân nhắc, chỉ đạo thật chuẩn mực công trình cải tạo và xây mới khu di tích quốc gia mộ danh nhân bác học Alexandre Yersin (1863-1943) tại Suối Dầu, Cam Lâm, Khánh Hòa, tránh sai sót đáng tiếc. Trong đó khẳng định rõ thiết kế của chủ đầu tư kiêm tư vấn thiết kế là Cty Cổ phần đầu tư (CPĐT) Lạc Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) với các hạng mục quan trọng nhất đều bị xây mới, thậm chí bị phá bỏ đều nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích (vùng có yếu tố gốc cấu thành di tích) đã... "làm biến dạng một cách cơ bản, không còn tính nguyên bản của di tích,  vi phạm rất nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa".

Chưa được Bộ đồng ý đã định ngày khởi công

Trước hết, phải khẳng định, quần thể khu mộ bác học Alexandre Yersin được chính thức xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1999. Vì thế, đương nhiên, di tích nằm trong khuôn khổ bảo vệ theo Luật Di sản, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được quy định rõ: đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL... Đồng thời phải  công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích. Đặc biệt khu vực I phải được bảo vệ nguyên trạng (điều 34 chương IV - Luật Di sản văn hóa).

Trở lại với bản thiết kế do chủ đầu tư kiêm tư vấn thiết kế là Cty CPĐT Lạc Hồng tạo lập, từ ngôi mộ nguyên bản xây bằng xi-măng - quét vôi, nay sẽ ốp đá granite, xây bệ bao quanh và tôn cao thêm 45cm (gấp đôi nguyên bản). Phá bỏ ngôi thủ kỳ một cột (thắp nhang, đặt hoa quả thờ cúng), thay bằng đắp lư hương lớn. Xây nối bia thành bức tường dài, hai bên đắp các chữ Hán cỡ lớn: "phúc", "đức". Phá bỏ tam quan cổng, dựng cổng sắt kiểu dinh thự. Đoạn bậc thang cuối lên mộ quá dốc, trở ngại cho người cao tuổi, người khuyết tật...

Đều đáng nói, cho đến thời điểm này, dự án tôn tạo nói trên vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền-cụ thể là Bộ VH-TT&DL có văn bản đồng ý theo luật định. Trong khi đó, như thể hiện trong văn bản  (số 2657/SXD-KTQH-ngày 15-11-2011) trả lời của Sở Xây dựng Khánh Hòa "phán": Thời gian dự kiến khởi công xây dựng công trình do Cty CPĐT Lạc Hồng đề xuất là ngày 21-11... và giao cho Hội  Ái mộ A. Yersin phối hợp với Cty CPĐT Lạc Hồng tổ chức lễ khởi công phù hợp với phong tục tín ngưỡng của nhân dân (?)...

 Ngôi mộ của Yersin giản dị, gần gũi hiện nay.

Cổng Tam Quan mộ hiện nay dự kiến sẽ bị phá bỏ. 

Làm ngược với di chúc của người quá cố

Bác sĩ Kiều Xuân Cư (93 tuổi), Ủy viên BCH Hội Ái mộ A. Yersin  cho biết, sau nhiều hội thảo, vận động trong nước và quốc tế về thân thế, sự nghiệp và công đức của nhà bác học Yersin, ngôi mộ được xếp hạng di tích quốc gia năm 1999, và là ngôi mộ người nước ngoài duy nhất ở nước ta được xếp hạng di tích quốc gia. Việc chôn cất di hài Yersin  theo đúng nguyện vọng của người quá cố thể hiện trong di chúc của ông được công bố khi ông qua đời: "Tôi ước ao được chôn ở Suối Dầu, giữ tôi lại ở Nha Trang, đừng cho ai mang tôi đi đâu" trong đó riêng việc lễ an táng, chôn cất, Yersin yêu  cầu cụ thể: Không tổ chức linh đình, kèn trống rùm beng. Không điếu văn, điếu từ. Mộ làm bình thường, đừng làm to tốn kém... Cũng vì lẽ này, trước đây khi thực hiện chương trình hồi hương di cốt công dân Pháp, giới chức hữu quan Pháp cho biết, nếu không "vướng" di chúc, di cốt Yersin sẽ được xin phép đưa về điện Panthéon-nơi các danh nhân Pháp yên nghỉ...

Dẫn lại một vài nét thân thế, sự nghiệp, đặc biệt là nhân cách sống nhất quán của Yersin, cho thấy việc lập và tiến hành thực hiện dự án "tôn tạo" di tích lịch sử khu mộ Yersin, các cơ quan quản lý liên quan đến chủ trương này của tỉnh Khánh Hòa không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, mà còn làm trái với tập quán văn minh của các quốc gia về quyền,  nghĩa vụ thực hiện  sở nguyện của người đã khuất. 

Nhà thơ Giang Nam  (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Ủy viên BCH Hội Ái mộ A. Yersin nhấn mạnh: Việc can thiệp vào di tích trước hết phải nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt Luật DSVH. Riêng trong trường hợp này, chỉ nên sửa sang đường sá, làm bãi đậu xe... tạo thuận lợi cho du khách và người dân viếng thăm, thể hiện sự mến mộ một nhà bác học tài năng nhưng bình dị về nhân cách sống. Không nên tôn tạo, xây mới phô trương tốn kém, khiến di tích trở thành xa lạ với người thưởng ngoạn, ngược với cốt cách giản dị, thanh bạch, khiêm nhường, kín đáo, dễ gần, dễ mến của Yersin trong ký ức người dân.

Triệu Gio Cam