Tôn vinh Hát Xoan và Bài Chòi

Thứ bảy, 09/12/2017 11:04

Thông tin chính thức từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) ngày 8-12 cho biết: Vào hồi 10 giờ 52 phút giờ địa phương (8 giờ 52 phút giờ Việt Nam) ngày 8-12-2017, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Không gian Bài Chòi Hội An (Quảng Nam).

Trước đó, hồi 17 giờ 10 phút giờ địa phương (tức 15 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 7-12-2017, cũng tại phiên họp của UNESCO tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam và Hát Xoan Phú Thọ lần lượt trở thành di sản thứ 10, 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó đã có: Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (được công nhận năm 2016); Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines (hồ sơ đa quốc gia năm 2015); Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010); Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Nhã nhạc cung đình Huế (2003). Ngoài ra, Việt Nam còn có 1 di sản văn hóa  khác cần bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO công nhận là: Ca trù.

Hát Xoan gắn liền với thực hành thờ cúng tổ tiên

Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.  Những người lưu giữ và thực hành hình thành nên bốn phường Xoan, trong đó, Trùm nam và nữ đóng vai trò quan trọng nhất: họ giữ gìn các bài hát, lựa chọn đệ tử, truyền dạy phong cách hát và các tiết mục và tổ chức thực hành. Họ cũng tích cực giới thiệu và giảng dạy Hát Xoan tại các phường Xoan và trong các câu lạc bộ. Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau. Viện Âm nhạc Việt Nam đã sưu tầm được 31 bài Hát Xoan và nhờ sự nỗ lực của một số nghệ nhân, nhiều phường Xoan đã được thành lập. Có 33 câu lạc bộ Hát Xoan hiện đang sinh hoạt, các hội thảo được tổ chức để mở rộng kiến thức về Hát Xoan. Những nghệ nhân lão luyện truyền dạy Hát Xoan thông qua truyền khẩu kết hợp với việc sử dụng các bài bản, ghi âm và ghi hình. Các nghệ nhân có kinh nghiệm cũng dạy Hát Xoan cho các thành viên của câu lạc bộ và cho giáo viên âm nhạc trong các trường học - những người sẽ truyền dạy kiến thức này cho các thành viên câu lạc bộ khác cũng như cho học sinh.

Các nghệ nhân biểu diễn hát xoan tại đình An Thái, xã Kim Đức, TP Việt Trì (Phú Thọ).

Theo Ủy ban Liên Chính phủ Hát Xoan Phú Thọ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vì đã đáp ứng được nhiều tiêu chí đề ra. Trong đó, thực hành Xoan liên quan đến âm nhạc và ca hát như là một cách thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng. Là một hình thức nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan cung cấp cho cư dân tỉnh Phú Thọ cảm giác gắn kết, hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, thể hiện sự kế tục của di sản qua việc kết nối di sản sống với nhu cầu thực hành ngày nay. Truyền thống cũng được phản ánh qua thông điệp chính với câu tục ngữ phổ biến của Việt Nam "Uống nước, nhớ nguồn" - đó là điều Hát Xoan muốn truyền tải, đặc biệt đối với học viên trẻ tuổi. Không có yếu tố nào của Hát Xoan không tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người hoặc cản trở sự phát triển bền vững.

Bài Chòi-hoạt động văn hóa trong cộng đồng làng xã

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi". Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.

Hội thi hát bài chòi ở phố cổ Hội An.

Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Cùng với cộng đồng, những người này đã thành lập gần 90 đội, nhóm và câu lạc bộ để luyện tập và truyền dạy Nghệ thuật Bài Chòi, thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Một số nghệ nhân Bài Chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.

Theo Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể:  Nghệ thuật Bài Chòi đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Hồ sơ đề cử đã chỉ ra được vai trò quan trọng của người lưu giữ di sản. Là một di sản của cộng đồng, việc truyền dạy Bài Chòi diễn ra chủ yếu trong gia đình, câu lạc bộ. Ngoài ra, Bài Chòi còn được truyền dạy trong các trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng. Các cá nhân và đại diện của các nhóm và câu lạc bộ Bài Chòi đã ký cam kết tự nguyện, đồng thuận với đề cử, đồng thời, sự hiểu biết về việc xây dựng hồ sơ đề cử của họ cũng được thể hiện trong các đoạn ghi âm và ghi hình các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các địa phương có thực hành Bài Chòi...

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

K.N