Tổng kết, kiểm điểm - cần sự trung thực!

Thứ hai, 14/12/2015 07:40

(Cadn.com.vn) - Như thường lệ, cứ vào tháng 12 dương lịch là thời gian hội nghị tổng kết công tác hàng năm.

Có thể hiểu một cách nôm na, tổng kết là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những việc gì đã làm được, những khiếm khuyết tồn tại, đưa ra kết luận các điều kiện, nguyên nhân thành, bại và kế tiếp là chương trình, phương hướng cho năm tới. Đây là nhiệm vụ không thể thiếu được của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp... Có nhiều cuộc tổng kết đã làm sáng tỏ không ít vấn đề quan trọng như: động viên kịp thời yếu tố, vai trò của từng người đối với nhiệm vụ được giao, thấy rõ nguyên nhân vì sao năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa đạt như mong muốn... từ đó có biện pháp cụ thể để khắc phục. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy cũng có không ít hội nghị tổng kết quá sa đà về hình thức, nghèo nàn, khô cứng về nội dung, chậm đổi mới về phương pháp tổ chức, vẫn đi theo lối mòn của hội nghị truyền thống là xây dựng báo cáo lê thê, dài dòng về kể lể. Người đứng trên bục đọc, người ngồi dưới giở báo cáo... đọc dò theo.

Cũng có đơn vị, địa phương lại làm báo cáo theo kiểu rập khuôn, đọc tại hội nghị tổng kết năm nào cũng được, bởi họ cứ gõ chuột tìm các báo cáo cũ rồi chỉnh sửa sơ sơ, đưa số liệu, thiếu tư duy, nhận xét, đánh giá chung chung, kém chất lượng.  Đi đôi với việc tổng kết của tập thể thì cá nhân cũng phải tự đánh giá, kiểm điểm trong năm qua mình làm được những gì. Mặt nào còn hạn chế, thiếu sót để tập thể góp ý. Hay nói đúng hơn là tự phê bình và phê bình, đây là việc làm có ý nghĩa sống còn, là sức mạnh của một tổ chức, bởi sống ở trên đời không ai hoàn thiện cả mà người nào cũng có thể va vấp mặt này, mặt kia. Việc kiểm điểm tuy đã được quy định từng bước, song có lúc, có nơi lại làm không đồng đều. Có địa phương thì xuề xòa, qua loa, đại khái, có đơn vị lại căng thẳng, nặng nề, phê bình theo kiểu quy chụp, trù dập, ganh ghét, thiếu tính xây dựng, giúp đỡ chân thành.

Căn bệnh chủ quan, bảo thủ  còn lấn át không ít người nên từ đó chỉ thấy cá nhân mình thì có nhiều mặt mạnh và ưu điểm hơn người khác, trái lại khuyết điểm của người khác thì nhiều hơn mình. Rồi cũng không hiếm người có thái độ cực đoan, lấy vũ khí phê bình để bài xích, đả kích nhằm triệt hạ uy tín người mà mình chẳng ưa thích. Cũng không thiếu cuộc họp kiểm điểm thì lại đưa ra  toàn những lời lẽ vuốt ve, nịnh hót, nhất là kiểm điểm đối với cấp trên. Với lối phê bình không công tâm, thiếu trung thực bằng những... lời khen tràn lan để lấy lòng vô cùng tai hại, khiến cho người được góp ý cứ tưởng những việc mình làm đã có sự đồng tình, hưởng ứng của tập thể, không nhận thấy nhược điểm để tự khắc phục mà sẽ bước dần tới nấc thang kiêu ngạo, tự mãn.

Cũng có người luôn lấy phương châm im lặng là vàng, mình không soi mói, “bới lông, tìm vết”  người khác thì họ cũng chẳng dại gì đụng chạm đến mình. Lại có cuộc họp góp ý với nhau thì toàn bằng các cụm từ hoa mỹ nhưng nấp sâu trong bao lời lẽ ngọt ngào, tốt đẹp ấy là những con sóng ngầm dữ dội. Bằng chứng là đến khi bỏ phiếu kín để bầu chọn các danh hiệu theo Luật Thi đua - khen thưởng quy định thì lại gạch, xóa vô trật tự. Có người bị gạch tên ra khỏi danh hiệu đề nghị bầu chọn với kiểu ấn bút gạch nhiều lần đến rách cả giấy, điều đó cho thấy về mặt tâm lý thể hiện sự cay cú, hằn học. Những bộc lộ như thế rõ ràng việc kiểm điểm, phê bình chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Góp ý, xây dựng không chỉ là nghệ thuật văn hóa mà còn là quy luật tất yếu để mỗi cá nhân, từng tập thể lấy đó làm động lực phát triển nếu xuất phát từ tâm điểm của sự chân thành, trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau để tránh những vấp váp, hạn chế  thì đó chính là liều thuốc quý. Tục ngữ Nga có câu: “Sự phê bình của người bạn còn tốt hơn lời nịnh nọt của kẻ thù. Nếu không có người bạn tốt thì ta khó biết được những sai lầm của bản thân”.

Thái Mỹ