Tổng thống Macron – Khi uy tín tụt dốc không phanh

Thứ bảy, 05/08/2017 11:16

Gần 3 tháng kể từ khi bước chân vào Điện Elysee, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giảm 17%, xuống còn 47% sau những tranh luận mạnh mẽ trong Quốc hội về cải cách lao động và pháp luật công cộng, cũng như những bế tắc với quân đội và cắt giảm trợ cấp nhà ở.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm trung tâm vui chơi giải trí
cho trẻ em tại Moisson, Pháp, hôm 3-8.
        Ảnh: Reuters

Theo kết quả thăm dò do hãng YouGov công bố ngày 3-8, tỷ lệ ủng hộ tân Tổng thống Pháp giảm từ 54% trong tháng 6-2017 xuống còn 47% trong tháng qua.

Chỉ có 36% số người ủng hộ quan điểm của ông Macron, trong khi có đến 49% không ủng hộ chính sách của ông, tăng 13%. YouGov cho biết, xu hướng giảm này là tiếp nối đà của cuộc thăm dò trước do hãng Ifop tiến hành từ ngày 17 đến 22-7, theo đó tỷ lệ ủng hộ ông Macron giảm từ 64% trong tháng 5-2017 xuống còn 54%. Trong cuộc thăm dò do hãng Elabe thực hiện, chỉ có 40% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng, ông Macron có thể dẫn dắt nước Pháp đối mặt với các khó khăn hiện tại, trong khi 55% tuyên bố không tin tưởng.

So với chính kết quả cuộc thăm dò trong tháng 7 của hãng Elabe, uy tín của ông Macron sụt giảm 5 điểm. Sự sụt giảm này tuy chưa quá lớn nhưng lại rất đáng báo động bởi nếu so với các đời Tổng thống Pháp trước đó trong Nền cộng hòa thứ Năm nước Pháp, ông Macron đang có chỉ số tín nhiệm trong những tháng đầu nhiệm kỳ thấp nhất. Cụ thể, ông Macron có chỉ số tín nhiệm sau 3 tháng đầu cầm quyền thấp nhất từ trước đến  nay, tương đương với ông Jacques Chirac năm 1995 và kém xa hai người tiền nhiệm gần đây là các ông Francois Hollande và Nicolas Sarkozy.

Cắt giảm ngân sách

Ông Macron, lãnh đạo trẻ nhất nước Pháp kể từ thời Napoleon, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 với cam kết cải cách sâu rộng kinh tế và xã hội để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng bất ổn kinh tế.

Giống như trước cuộc bầu cử, mối quan tâm chính của cử tri là tình trạng thất nghiệp. Trên mặt trận cải cách việc làm, chính phủ của Tổng thống Macron ghi bàn thắng trong tuần này sau khi giành được sự ủng hộ của Thượng viện trong việc điều tiết thị trường lao động. Dự kiến vào tuần tới, Hạ viện sẽ phê chuẩn một dự luật công cộng mới, trong đó đề nghị hủy bỏ một quỹ dành cho các nhà lập pháp. Dự luật này được thiết kế nhằm dọn dẹp lại nền chính trị Pháp.

Tuy nhiên, việc giảm viện trợ nhà ở, tranh cãi về thời gian cắt giảm thuế cho người thuê nhà, và cáo buộc về vụ bê bối tài chính của các thành viên chính phủ dẫn đến một số người từ chức khiến ông Macron gặp sóng gió ngay trong tháng đầu tiên dọn đến Điện Elysee. Chính phủ Pháp công bố cắt giảm 4,5 tỷ EUR (5,3 tỷ USD) nhằm đảm bảo cam kết giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP theo mức trần của Liên minh Châu Âu (EU). Kế hoạch trên cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết ổn định tình hình tài chính trong nước của Tổng thống Macron, song vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ phe đối lập và truyền thông Pháp.

Việc Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Pháp, tướng Pierre de Villiers tuyên bố từ chức sau khi có những bất đồng với Tổng thống Macron về vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng là bằng chứng cho thấy sự bế tắc của ông Macron trong việc lãnh đạo nội các. Trong một tuyên bố, ông Villiers nêu rõ trong tình hình hiện tại, ông tự thấy bản thân "không thể đảm bảo một lực lượng quốc phòng vững mạnh có thể bảo vệ nước Pháp và người dân Pháp cũng như giữ vững những mục tiêu quốc gia".

Khó khăn phía trước

Với việc tỷ lệ ủng hộ của cả Tổng thống Macron và Thủ tướng Edouard Philippe đều sụt giảm trong những tuần qua, tổng thống đã đưa ra cảnh báo các bộ trưởng tại cuộc họp nội các hồi tháng 7.

Thực tế này đang đặt ra các thách thức rất lớn cho ông Macron cũng như ông Philippe bởi trong tháng 8 này, chính trường Pháp sẽ quay trở lại hoạt động với một loạt các sự kiện quan trọng, trong đó có vấn đề cải tổ Luật lao động trong tháng 9-2017 hay thông qua dự thảo ngân sách cho năm 2018 trong tháng 11. Đây được dự báo sẽ là khoảng thời gian sóng gió nhất kể từ khi ông Macron lên cầm quyền bởi các phe phái đối lập cũng như các tổ chức công đoàn vốn có quyền lực rất mạnh tại Pháp đang kêu gọi và chuẩn bị cho các cuộc phản kháng rất lớn cả trong Nghị viện lẫn trên các đường phố Pháp.

AN BÌNH