Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang

Thứ tư, 22/02/2023 08:58
Khoảng 12 giờ 05 giờ Moscow (16 giờ 05 giờ Hà Nội) ngày 21-2, tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp Liên bang thường niên trước 1.500 thành viên Quốc hội và khách mời. Theo hãng thông tấn TASS, buổi đọc Thông điệp Liên bang diễn ra chỉ 3 ngày trước dấu mốc 1 năm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Do đó, trong bài phát biểu dài 1 giờ 45 phút, Tổng thống Putin đã bày tỏ những suy nghĩ mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang năm 2023. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang năm 2023. Ảnh: TASS

Chỉ trích phương Tây

Mở đầu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin nêu lý do vì sao Nga quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tổng thống Putin nhắc lại đường lối của Điện Kremlin về việc phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nói rằng Nga đang chiến đấu để giải phóng người dân ở Ukraine. Ông Putin khẳng định, chiến dịch quân sự của Nga không nhằm chống lại người dân Ukraine và cho rằng người Ukraine đang "trở thành con tin" của phương Tây cả về mặt kinh tế, chính trị và quân sự.

Tổng thống Putin cho rằng chính phương Tây khơi mào cuộc xung đột ở Ukraine và nói rằng các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang tìm kiếm một "quyền lực vô hạn" trong các vấn đề thế giới. Ông cáo buộc NATO và phương Tây đã công khai nói về kịch bản cung cấp vũ khí hạt nhân cho Kiev trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng phương Tây "lừa dối" người dân của họ về những gì đang xảy ra ở Donbass, miền Đông Ukraine. "Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề Donbass một cách hòa bình, nhưng phương Tây lại chuẩn bị cho một kịch bản khác". "Tôi muốn nhắc lại rằng, chính họ đã khơi mào cuộc xung đột này, chúng tôi chỉ sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn điều đó", ông Putin nói.

Ông nhấn mạnh Moscow đã làm mọi cách có thể để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình. Với sự kiên nhẫn, Nga đang thương lượng một cách hòa bình để thoát khỏi xung đột khó khăn hiện nay nhưng một kịch bản hoàn toàn khác đang được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây nhưng lại nhận về phản ứng không rõ ràng. Theo nhà lãnh đạo Nga, các nước phương Tây đã chi hơn 150 tỷ USD để hỗ trợ Kiev trong khi các quốc gia nghèo nhất năm 2022 được phân bổ 60 tỷ USD. Ông Putin cũng khẳng định nước Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước những âm mưu chia rẽ của phương Tây, đồng thời nêu rõ đa số người dân nước này ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông cũng gửi lời cám ơn người dân Nga vì sự dũng cảm và kiên định ủng hộ chính phủ. Tổng thống Putin bày tỏ sẻ chia với những khó khăn mà người thân của các binh lính Nga đang trải qua, đồng thời cam kết chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ đặc biệt với việc thành lập một quỹ mới dành riêng cho kế hoạch này.

Kinh tế Nga vẫn ổn định

Đề cập đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin cho rằng phương Tây không chỉ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, một cuộc chiến thông tin mà cả cuộc chiến kinh tế chống lại Nga. "Dù ở khía cạnh nào, họ đều thất bại. Họ đang trừng phạt chính mình. Họ gây ra lạm phát trong nước, khiến nhà máy đóng cửa hàng loạt, lĩnh vực năng lượng sụp đổ, sau đó họ nói với người dân rằng lỗi do Nga", ông Putin nói.

Tổng thống Putin cho biết, chính quyền Nga đã phân bổ 1.000 tỷ rúp (13,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động kinh doanh trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt. Ông khẳng định, kinh tế Nga vẫn ổn định. Ông cho biết: "Năm nay, nhu cầu tiêu thụ nội địa được dự báo tăng mạnh, tôi tin các doanh nghiệp của chúng ta sẽ tận dụng được tình hình, tận dụng thị trường sau khi doanh nghiệp phương Tây rời đi". Ngoài ra, ông cho biết, Nga có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia bất chấp lệnh trừng phạt.

"Theo ước tính, lạm phát ở Nga sẽ đạt mức mục tiêu 4% vào quý II năm nay. Tôi xin nhắc với quý vị rằng ở một số nước EU, mức lạm phát đã là 17%, 12%, 20%. Chỉ số này ở Nga hiện là gần 5%", ông Putin nói. Hơn nữa, theo nhà lãnh đạo Nga, tỷ trọng của đồng rúp trong thanh toán ngoại thương của Nga đã tăng gấp đôi trong năm qua và chiếm 1/3. Ông cho rằng, Nga không phải là bên giảm thanh toán bằng đồng USD, mà chính phương Tây là bên làm như vậy. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để phát triển một hệ thống thanh toán quốc tế ổn định, an toàn, độc lập với đồng USD và các loại tiền tệ dự trữ khác của phương Tây. Không phải chúng tôi đang giảm các khoản thanh toán bằng USD hay các loại tiền khác của phương Tây. Chính họ đang làm như vậy", ông nhận định.

Về thành tựu nông nghiệp của Nga, Tổng thống Putin nói rằng, Nga dự kiến sẽ xuất khẩu tới 55-60 triệu tấn ngũ cốc trong năm nông nghiệp 2022-2023, mức từng được coi là mục tiêu không thể đạt được.

Tuyên bố đình chỉ Hiệp ước New START

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow sẽ tạm ngừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), nhưng nhấn mạnh Moscow sẽ không rút khỏi hiệp định này.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, vào đầu tháng 2, NATO đã ra tuyên bố thực tế yêu cầu Nga quay trở lại thực hiện New START, bao gồm cả việc cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân và quốc phòng của Moscow. "Tôi không biết phải gọi đây là gì. Chúng tôi biết rằng phương Tây có liên quan trực tiếp đến các nỗ lực của Kiev nhằm tấn công các căn cứ không quân chiến lược của chúng tôi", ông Putin nói, đề cập đến các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nghi của Ukraine vào căn cứ không quân Engels của Nga gần đây. Ông Putin giải thích rằng các UAV được sử dụng trong các cuộc tấn công này đã được trang bị và hiện đại hóa với sự hỗ trợ của các chuyên gia NATO. "Và giờ đây, họ muốn kiểm tra các cơ sở quốc phòng của chúng tôi. Trong điều kiện hiện tại và cuộc xung đột hiện nay, điều này đơn giản nghe có vẻ phi lý. Một tuần trước, tôi đã ký sắc lệnh đưa các hệ thống vũ khí chiến lược trên mặt đất mới vào trực chiến. Chẳng lẽ phương Tây cũng sẽ 'nhúng tay' vào đó?", ông nói thêm.

AN BÌNH