Tổng thống Putin nêu điều kiện chấm dứt chiến sự ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu yêu cầu để chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17-3.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiều 17-3 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu những điều kiện để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Người phát ngôn và cố vấn hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, cho biết như trên trong trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC sau khi điện đàm kết thúc. Ông Kalin là một trong số các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được lắng nghe cuộc điện đàm kéo dài 30 phút nói trên. Ông Kalin cho biết, yêu cầu từ phía Nga tập trung vào hai nhóm vấn đề. Thứ nhất, Moscow yêu cầu Kiev giữ quy chế trung lập và không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong số các vấn đề khác có việc Ukraine giải trừ quân bị và bảo vệ tiếng Nga ở Ukraine.
Thứ hai, Tổng thống Putin cho rằng cần có các cuộc gặp trực tiếp giữa ông và người đồng cấp Ukraine Vlodymyr Zelensky trước khi hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về những vấn đề trên. Ông Kalin không nêu cụ thể các điều kiện của Nga ở nhóm vấn đề này là gì, nhưng cho biết có liên quan đến quy chế của vùng Donbas, miền Đông Ukraine, cũng như Nga yêu cầu Ukraine chính thức công nhận Crimea là một phần thuộc Nga. Trong các phát biểu riêng rẽ mới đây, Tổng thống Ukraine Zelensky từng khẳng định sẵn sàng gặp trực tiếp người đồng cấp Nga, cũng như thừa nhận Ukraine không thể gia nhập NATO. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một trong những nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tích cực thúc đẩy cuộc gặp trực tiếp giữa hai Ngoại trưởng Nga và Ukraine hôm 10-3 tại nước này.
Nga và Ukraine đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm tiến tới chấm dứt xung đột ở Ukraine. Hai bên đã tổ chức ba vòng đàm phán tại Belarus. Vòng đàm phán thứ 4 được bắt đầu từ ngày 14-3, theo hình thức trực tuyến. Trợ lý Tổng thống đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết Nga và Ukraine đã đạt được tiến bộ nhất định về một số vấn đề trong vòng đàm phán này, nhưng chưa phải là tất cả.
Hiện tình hình chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga được cho là đang thay đổi chiến thuật sau khi đà tiến công chậm hơn dự kiến. Theo đó, Moscow chuyển trọng tâm của chiến dịch quân sự từ phía Đông sang phía Tây Ukraine nhằm ngăn chặn các nguồn viện trợ vũ khí cho Kiev trong khi tiếp tục vây ép các thành phố lớn khác trên khắp Ukraine như Kiev. Nga nhận thấy luồng vũ khí mà phương Tây hỗ trợ cho Ukraine đang ảnh hưởng đáng kể đến chiến dịch của họ, do vậy, Moscow quyết định ngăn chặn dòng chảy này.
Moscow ngày 18-3 đã lập vùng cấm bay ở hai vùng ly khai Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR). "Ở góc nhìn quân sự, chúng tôi không cần các hệ thống phòng không tối tân, Nga kiểm soát bầu trời là đủ. Nó giống như một chiếc ô hay một mái vòm bảo vệ chúng tôi", ông Eduard Basurin, đại diện Lực lượng Vũ trang Nhân dân Cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) nói với kênh truyền hình Rossiya-24.
Nga cũng cảnh báo Mỹ đổ thêm dầu vào lửa khi viện trợ vũ khí cho Ukraine. "Hầu như ngày nào chúng tôi cũng thấy báo cáo từ thủ đô của các nước phương Tây về các chuyến hàng mới, bao gồm nhiều loại vũ khí khác nhau, đến Kiev", Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 17-3 "Gần đây nhất, vào ngày hôm qua, Washington cho biết họ sẽ cung cấp khoản viện trợ quốc phòng trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine ngay trong tuần này. Họ đang đổ thêm dầu vào lửa", ông Nebenzya cảnh báo "Chúng tôi lấy làm tiếc rằng, Ukraine tiếp tục trở thành một "con tốt" trong cuộc đấu tranh địa chính trị với Nga", nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Mỹ và các nước phương Tây ban đầu tỏ ra khá thận trọng khi chỉ cung cấp những vũ khí và trang thiết bị đơn giản như mũ bảo hộ, áo chống đạn cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại, trong các lô vũ khí viện trợ cho Ukraine có cả máy bay không người lái có khả năng phá hủy xe tăng và pháo của Nga ở cách xa hàng chục ki-lô-mét, động thái làm dấy lên lo ngại sẽ càng đẩy chiến sự đi xa hơn, nguy hiểm hơn.
KHẢ ANH
Nhật Bản, Australia áp đặt trừng phạt đối với Nga Ngày 18-3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 15 cá nhân và 9 công ty của Nga liên quan vấn đề Ukraine. Theo tuyên bố của bộ trên, trong số các cá nhân bị áp đặt trừng phạt có người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, 8 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các quan chức cấp cao khác trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng của Nga. Trong số các công ty bị trừng phạt có tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport và công ty sản xuất máy bay chiến đấu United Aircraft Corp. Theo đó, các cá nhân và công ty nói trên bị đóng băng tài sản ở Nhật Bản và cấm thực hiện giao dịch. Như vậy, Nhật Bản đã áp đặt trừng phạt tổng cộng 76 cá nhân, 7 ngân hàng và 12 công ty của Nga. Cùng ngày 18-3, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết Chính phủ Australia đã áp đặt trừng phạt đối với 2 doanh nhân Nga có lợi ích kinh doanh ở nước này và 11 ngân hàng, tổ chức Chính phủ Nga. Điều này có nghĩa là tất cả các thể chế có thể xử lý nợ công của Nga hiện đều bị Australia áp đặt trừng phạt. |