Tổng thống Trump dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc

Thứ bảy, 16/05/2020 14:00

Mối quan hệ vốn chẳng mấy êm đẹp giữa Washington với Bắc Kinh đang ngày càng xấu đi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc.  Ảnh: AFP

Do Trung Quốc không ngăn được dịch Covid-19?

AFP dẫn lời ông chủ Nhà Trắng trong bài trả lời phỏng vấn trên Fox Business Network ngày 14-5 (giờ địa phương) cho biết, ông thật sự thất vọng trước việc Trung Quốc thất bại trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 khi số người chết trên toàn cầu vì căn bệnh này đã lên tới hơn 300.000. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng, ông không quan tâm đến việc đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình ở thời điểm hiện tại, đồng thời nhấn mạnh, ông thậm chí có thể cắt đứt quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo ông, dịch bệnh gây tổn hại đến thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung đạt được hồi tháng 1, mà trước đây ông từng ca ngợi là một thành tựu lớn. “Lẽ ra họ không nên để điều này xảy ra. Tôi đã thực hiện một thỏa thuận thương mại tuyệt vời, nhưng rồi dịch bệnh xuất hiện”. Khi được hỏi về khả năng đối thoại với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Ngay bây giờ tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”, dù trước đó, ông Trump nhiều lần tuyên bố ông có mối quan hệ tốt với ông Tập Cận Bình.  Khi được hỏi khả năng Mỹ sẽ đáp trả thế nào, ông Trump không cho biết chi tiết cụ thể mà chỉ nói rằng: “Có nhiều thứ chúng tôi có thể làm. Chúng tôi có thể cắt đứt toàn bộ quan hệ và chúng ta có thể tiết kiệm được 500 tỷ USD”, ám chỉ lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm.

Ông Trump lâu nay vẫn cáo buộc virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Bắc Kinh còn bị cáo buộc không cảnh báo cho thế giới về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và điều đó đã dẫn đến sự suy thoái toàn cầu cũng như đe dọa cơ hội tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

Global Times chỉ trích đích danh ông Trump

Đáp lại lời cảnh báo “sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc” của Tổng thống Trump, báo Global Times của Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ nhà lãnh đạo Mỹ, thậm chí nói ông là “con thú bị dồn vào đường cùng”. Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích đích danh ông Trump.

“Ông tổng thống này đã từng kêu bệnh nhân Covid-19 tiêm thuốc khử trùng để diệt virus. Hãy nhớ điều này để không cảm thấy bất ngờ khi ông ta dọa cắt đứt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc. Ông ta đã vượt quá trí tưởng tượng của tôi cho một tổng thống bình thường”, Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến viết kiểu mỉa mai trên Twitter. Tờ báo này sau đó cho đăng một bài viết dài hơn 1.000 chữ và dẫn lời các chuyên gia, học giả Trung Quốc để chỉ trích ông Trump bằng các ngôn từ mạnh mẽ chưa từng thấy khi mở đầu bằng câu hỏi “Trump có bị điên không?”. Việc chỉ trích mạnh mẽ và trực diện ông Trump như thế này là điều rất hiếm thấy trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể cả Global Times.

Mối lo trong các trại tị nạn lớn nhất

Bất chấp lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới đang nới lỏng các lệnh phong tỏa nhằm nỗ lực để các nền kinh tế bị đình trệ di chuyển trở lại. Dù là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới, Mỹ cũng đi đầu trong xu hướng mở cửa trở lại lần này. Việc nới lỏng phong tỏa và mở cửa nền kinh tế vẫn là điều gây tranh cãi lớn nhất giữa Nhà Trắng và giới chức y tế Mỹ.

Trong ngày 15-5, đã có cảnh báo về việc một số người nghèo nhất thế giới vẫn là những người dễ bị tổn thương nhất, với dự đoán rằng, 1/4 người dân ở Châu Phi có thể bị nhiễm bệnh nếu không có hành động khẩn cấp. Mối quan hệ giữa nghèo đói và rủi ro được nhấn mạnh bằng việc phát hiện các trường hợp mắc bệnh trong trại tị nạn lớn nhất thế giới, nơi có 1 triệu người Rohingya sống trong tình trạng bẩn thỉu. “Chúng tôi đang xem xét viễn cảnh rất thực tế rằng hàng ngàn người có thể chết vì Covid-19” trong các trại này, Giám đốc y tế của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Bangladesh Shamim Jahan nói.

Các nhà dịch tễ học từ lâu cảnh báo rằng virus có thể lây lan qua các con hẻm chật hẹp, ngập nước thải của các trại tị nạn. Giãn cách xã hội là biện pháp phòng chống bệnh quan trọng nhưng không thể thực hiện trong các khu vực như vậy.

KHẢ ANH

KHI NÀO CÓ VACCINE?

Và các chuyên gia y tế nói rằng, chỉ có hy vọng vào một loại vaccine ngừa bệnh trong tương lai gần. Mặc dù các nhà khoa học đang nỗ lực hướng tới mục tiêu đó, các chuyên gia nói rằng, sẽ vẫn cần nhiều tháng nữa - hoặc thậm chí nhiều năm.

Hôm 15-5, Giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm của Pháp Sanofi, ông Paul Hudson cũng kêu gọi các nước Châu Âu tài trợ kinh phí phát triển vaccine phòng Covid-19 và cần phải chia sẻ nhiều hơn những rủi ro trong quá trình này. Phát biểu với tờ Financial Times, ông Hudson cho biết, Mỹ có mô hình chia sẻ rủi ro cho phép sản xuất bắt đầu ngay cả trước khi vaccine được phê duyệt thông qua các lần thử nghiệm khoa học, trong khi Châu Âu lại không có. Sanofi đang vướng vào vụ tranh cãi với chính phủ Pháp sau khi ông Hudson tuyên bố Mỹ sẽ được ưu tiên nhận vaccine phòng bệnh Covid-19 nếu hãng này bào chế thành công vì quốc gia này đã đầu tư vào quá trình nghiên cứu.

Chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của tập đoàn Pháp Sanofi gây tranh cãi. Phủ Tổng thống Pháp sau đó nêu rõ, vaccine phải được sử dụng cho người dân toàn thế giới, chứ không liên quan đến các yếu tố thị trường. Ông Hudson tối 14-5 đã lên tiếng xin lỗi, đồng thời khẳng định sẽ không có ưu tiên đặc biệt dành cho bất kỳ quốc gia hay khu vực nào trong việc tiếp cận vaccine chống Covid-19. Sau đó, Sanofi giải thích vaccine được sản xuất trên đất Mỹ sẽ phục vụ cho thị trường Mỹ, còn  vaccine vẫn sẽ được bào chế ở Pháp và cung cấp cho thị trường Châu Âu.

T.L