Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968: Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử "
Ngày 29-12, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”. Dự hội thảo có ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các nhà khoa học cùng các nhân chứng lịch sử...
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một minh chứng khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, của khát vọng hòa bình của toàn dân tộc, thể hiện nghệ thuật đặc sắc của chiến tranh cách mạng Việt Nam, đồng thời là một thất bại nặng nề của Mỹ và tay sai.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, hội thảo khoa học lần này là dịp ôn lại lịch sử hào hùng, tinh thần quyết chiến quyết thắng và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, giúp nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn giá trị lịch sử và hiện thực cũng như bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc; thể hiện nghệ thuật chiến tranh cách mạng, sức sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Thắng lợi này đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản "chiến tranh cục bộ", làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, các tham luận tại hội thảo làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đó là nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, những bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng, về nghệ thuật tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, về nghệ thuật quân sự tạo thời cơ, chớp thời cơ, các phương thức tác chiến, về công tác bảo đảm... sẽ góp phần vận dụng vào quá trình xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.
Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo tham luận khoa học, tập trung vào những nội dung chính: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một phát kiến sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tinh thần chủ động, quyết đoán trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân; Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần hy sinh cao cả, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa quyết định, để lại những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
XUÂN KHU – TIẾN LỰC
TỌA ĐÀM KHOA HỌC KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG "HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG" Ngày 29-12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học Kỷ niệm 45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972 - 2017). Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Quốc Lý khẳng định: Đây là dịp để các học giả có cơ hội đi sâu nghiên cứu về những nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc đọ sức 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 nói riêng; làm sáng tỏ thêm sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới, mà cốt lõi được biểu hiện bằng tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Nhấn mạnh, điều cốt lõi làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là vũ khí và con người, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân cho biết: Quân đội ta đã có 3 lần cải tiến lớn và 13 lần cải tiến nhỏ, nhất là cải tiến bộ khí tài. Về con người, rút kinh nghiệm từ các trận đánh ở Quảng Trị, từ đó tìm ra điểm mạnh, yếu, nguyên nhân vì sao trong các trận chiến ta chưa bắn rơi máy bay địch, sau đó các tiểu đoàn tập luyện. Kết quả, quân đội ta đã bắn rơi được máy bay địch, làm nên chiến thắng lẫy lừng, tạo niềm tin lớn trong quân và dân. Ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm đã khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; phân tích và làm rõ hơn mối quan hệ biện chứng giữa thắng lợi của trận "Điện Biên Phủ trên không" với thắng lợi trên chiến trường miền Nam và chiến trường 3 nước Đông Dương trong năm 1972; mở ra thời cơ lớn cho quân và dân ta giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975. Quân và dân miền Bắc nói chung và người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng đã chứng tỏ với những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới rằng, sức mạnh của bom đạn không thể hủy diệt được tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội. THU THỦY – TTXVN |