Trả án treo về đúng vị trí

Thứ năm, 12/09/2013 23:23

(Cadn.com.vn) - Hôm trước họp Ban Chỉ đạo có đưa ra việc siết lại cho hưởng án treo. Khung hình phạt rộng như thế, khi xét xử gây ra những phản cảm, hoài nghi trong xã hội.

Không thể không có án treo song phải như thế nào thì mới có án treo, như thế nào thì không được hưởng án treo. Đợt kiểm tra lần này chúng tôi sẽ làm rõ việc này”.

Trên đây là phát biểu của ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, trong buổi làm việc với Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Về án treo, Điều 60 Bộ luật Hình sự quy định: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm”.

Theo Nghị quyết số 01 ngày 2-10-2007, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị xử phạt tù không quá 3 năm, không phân biệt về tội gì; có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng; có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng...; nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Như vậy, án treo không phải là hình phạt. Nó chỉ là một biện pháp chấp hành hình phạt tù. Nghĩa là, nó không phản ánh bản chất của tội phạm mà chỉ phản ánh cách thức trừng trị của pháp luật đối với người phạm tội. Thế nhưng, với những đặc điểm thể hiện rõ sự khoan hồng của pháp luật trong một số trường hợp, việc áp dụng án treo đã bị lợi dụng.

Xử lý một vụ án nói chung, vụ án tham nhũng nói riêng, là việc cực kỳ phức tạp, nhạy cảm, từ khâu phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong mỗi khâu đều chứa đựng rất nhiều mồ hôi, công sức, trí tuệ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu các khâu đầu đều làm tốt mà đến khâu cuối cùng (thi hành án) có sơ suất, làm một cách sơ sài, chiếu lệ, thậm chí là tiêu cực, bao che, giải thoát tội phạm... thì tất cả đều trở nên vô nghĩa, như thể đi suốt một hành trình cuối cùng chỉ trở về tay không.

Pháp luật của nước ta cơ bản lấy giáo dục cải tạo là chính chứ không thiên về trừng trị, bởi vậy, cùng với việc thực hiện nhiều chính sách khoan hồng khác, việc áp dụng án treo là điều cần thiết. Để bảo đảm tính đúng đắn của việc áp dụng án treo, đòi hỏi sự công tâm, sáng suốt rất cao của cơ quan bảo vệ pháp luật, với tất cả các cá nhân có liên quan. Nhưng đó chỉ là một vế của vấn đề.

Điều quan trọng nhất để bảo vệ sự đúng đắn của việc thực thi pháp luật chính là những cơ chế giám sát; quản lý mỗi cơ quan, mỗi cán bộ trên cơ sở pháp luật, kỷ luật chứ không chỉ là kêu gọi, vận động. Tin rằng, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng thực sự là hiện thân của cơ chế giám sát đó. Và, với quyết tâm “sẽ làm rõ” như ông Nguyễn Bá Thanh nói, án treo sẽ được trả về đúng vị trí của nó.

Nguyễn Lê