Trả giá vì ô nhiễm
(Cadn.com.vn) - Từ một vùng quê nghèo chỉ hơn 5 năm, xã Tam Hiệp (H. Núi Thành, Quảng Nam) đã trở thành khu công nghiệp sầm uất, lượng xe ra vào thường xuyên. Với hơn 20 nhà máy, xí nghiệp hoạt động KCN Chu Lai đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Thế nhưng, bên cạnh việc cải thiện đời sống con người việc phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng đã khiến môi trường bị đe dọa nghiêm trọng, sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng.
Từ lâu rồi, người dân xã Tam Hiệp không còn thói quen đi tập thể dục buổi sáng và hằng đêm phải đóng chặt cửa sổ mới có thể ngủ được bởi lượng khói bụi thải ra từ các nhà máy hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trẻ em trường mầm non không còn tập trung trước sân trường vui đùa nữa...
Ngày ngày, gần chợ chiều thôn Phái Nhơn, cột khói của nhà máy Kính nổi Chu Lai vẫn nhả từng đợt khói xám lên bầu trời... Chị Tuyết (thôn Phái Nhơn, xã Tam Hiệp) kể: “Em cứ ở đây thử 1 ngày là biết liền. Quần áo phơi lên dính bụi đen, đi chân không trên nền gạch men cũng thấy nhớp nháp, tối có khi phải mang cả khẩu trang đi ngủ”.
Quán cà-phê của nhà anh Sĩ (thôn Phái Nhơn, xã Tam Hiệp) hướng mặt về phía nhà máy nên hứng trọn bao nhiêu là bụi bẩn, mùi hôi. “Do bán cà-phê nên tôi thường xuyên dậy sớm. Trước đây người dân xóm dưới thường xuyên đi tập thể dục buổi sáng thế nhưng từ khi nhà máy đốt lốp xe làm nhiên liệu sản xuất thì đường sá cũng vắng hoe. Cái mùi của nó khét không chịu được, nhiều người còn cảm thấy buồn nôn. Những ngày mưa thì thực sự là không thể sống nổi, giống như mình đang chui dưới gầm cống vậy”-anh Sĩ cho biết.
Những cột khói của nhà máy Kính nổi Chu Lai nhả khói bụi cả ngày. |
Không chỉ riêng thôn Phái Nhơn mà người dân thôn Thọ Khương còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Cánh đồng Thọ Khương rộng 40 ha, có con mương Cầu rộng chừng 3m nối từ KCN ra tới ruộng. Con mương này xả nước trực tiếp vào cánh đồng lúc nào nước cũng nổi váng và bốc mùi hôi thối.
Vụ đông xuân vừa qua khắp nơi đều được mùa nhưng riêng nơi đây lúa bị ngâm nước nhiễm bẩn nên hạt đen, thối. “Bao nhiêu công cấy cày trong mấy tháng qua coi như đi tong. Thóc đen như thế này làm sao dám ăn? Cũng không dám cho gà ăn sợ bị nhiễm độc”-chị Trang bức xúc... Ô nhiễm nguồn nước ở thôn Thọ Khương còn khiến nhiều trâu bò chết do uống phải nước nhiễm độc. Người dân đi làm ruộng thì bị ghẻ lở đầy chân.
Ông Nguyễn Văn Tiến (trưởng thôn Thọ Khương) cho biết: “ Mùa hè thì nắng nóng, thêm khói bụi làm trẻ em bị nhiễm bệnh rất nhiều. Ô nhiễm nặng nề khiến cho việc sản xuất của người dân chịu nhiều ảnh hưởng. Hiện nay gần 2 ha đất phải bỏ hoang. Chúng tôi cũng đã nhiều lần ý kiến nhưng mọi chuyện lại đâu vào đó”.
Những hộ dân quanh vùng chủ yếu dùng nước giếng đóng nhưng nước đóng phèn, nổi váng lềnh bềnh, lắng cặn đen thui dưới đáy như tro than. Bà Nguyễn Thị Tiến (Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp) cho biết: “Người dân thường xuyên phản ánh việc ô nhiễm tại KCN. Chúng tôi cũng đã đi kiểm tra nhiều lần nhưng về phía công ty vẫn không khắc phục”.
Bức xúc trước việc KCN thải khói bụi và nước bẩn, thời gian qua người dân thôn Thọ Khương đã chủ động đóng tiền mua đất lấp miệng cống nước thải. Sau vụ việc, lượng nước bẩn có giảm bớt nhưng những hệ lụy của nó tới đời sống của người dân vẫn còn. Hiện nay bề mặt cống đã được trám bằng xi-măng để tránh người dân đập đường ống.
Chỉ mới hoạt động được hơn 5 năm nhưng những hệ lụy từ KCN Bắc Chu Lai gây ra cho đời sống người dân và môi trường đã thấy rõ. Không đất sản xuất, nguồn nước nhiễm bẩn, không sớm thì muộn nơi này cũng sẽ hóa thành vùng đất chết.
Hà Dung