Nhân Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4-4):

Trả lại màu xanh cho đất mẹ

Thứ sáu, 04/04/2014 11:04

(Cadn.com.vn) - Là khu vực có diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh nặng nề nhất Việt Nam, nên sau ngày giải phóng, cùng với nỗ lực khắc phục các hậu quả khác do chiến tranh để lại, quân và dân miền Trung ưu tiên công tác rà phá bom mìn để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đến nay các tỉnh, thành phố miền Trung đã "làm sạch", trả lại màu xanh cho hàng triệu héc-ta đất...   

CBCS Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường - Quân khu 5 dò tìm, thu gom
làm sạch bom mìn tại một địa bàn ở Đà Nẵng.

Đứng đầu về mức độ ô nhiễm bom mìn, vật nổ là Quảng Trị, với 391.500ha đất bị ảnh hưởng. Năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Một trong những tổ chức quốc tế sớm nhất đến giúp Quảng Trị trong việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là Nhóm cố vấn bom mìn MAG (MAG- Mine Advisory Group).

Từ năm 1999 đến nay, Nhóm cố vấn bom mìn MAG đã phối hợp với các địa phương làm sạch hơn 6.148 nghìn m2 đất, trả lại vùng đất sạch không còn bom mìn để người dân sinh sống, canh tác và xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Trong quá trình rà phá, công binh Quảng Trị đã phát hiện và xử lý hơn 133.000 vật liệu nổ, 2.500 quả mìn còn sót lại sau chiến tranh, qua đó hơn 1,5 triệu người được hưởng lợi từ chương trình này.

Theo Thiếu tá Nguyễn Võ Thành, Trợ lý công binh Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, Dự án MAG đã trả lại hàng chục ngàn héc-ta đất sạch cho người dân xây dựng nhà cửa đảm bảo an toàn, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm bom mìn vẫn rất nặng nề. Tai nạn, thương tích đối với người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư và việc khắc phục là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều kinh phí và nỗ lực.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đầu tư, phân bổ nguồn vốn và phân cấp cho địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn cho các hoạt động rà, phá bom, mìn, vật nổ tại địa phương; rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt các dự án rà, phá bom, mìn, vật nổ, nhất là các dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ; tiếp tục chia sẻ các thông tin và dữ liệu khảo sát về ô nhiễm bom, mìn đối với địa phương, đặc biệt là hỗ trợ giới thiệu địa phương tiếp cận các nhà tài trợ, các tổ chức nhân đạo nhằm thu hút nguồn lực, nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, góp phần giúp tỉnh Quảng Trị trả lại màu xanh cho những vùng đất "chết".

Đứng thứ 3 (sau Quảng Trị và Quảng Nam) về mức độ ô nhiễm bom, mìn, Hà Tĩnh có 681 khu vực bị ô nhiễm bom mìn với diện tích ô nhiễm trên 234.000 ha; tỷ lệ ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh là 38,8% (đứng thứ ba sau Quảng Trị 83,8% và Quảng Ngãi 57%). Tất cả các xã, phường của 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều bị ô nhiễm bom, mìn. Thực hiện Quyết định số 504/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025, trong 3 năm thực hiện giai đoạn 1 của dự án (2010- 2013), Bộ CHQS Hà Tĩnh đã hợp đồng với các đơn vị, nhà thầu thi công rà phá bom mìn trên diện tích hàng ngàn héc-ta.

Đến nay, các nhà thầu đã cơ bản thực hiện xong giá trị hợp đồng và bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án, các huyện, thị. Điển hình là khu vực ngã ba Đồng Lộc. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Đồng Lộc đã bị bom đạn cày xới, hàng vạn quả bom đã rải xuống. Sau chiến tranh, Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ và từng bước được Nhà nước đầu tư xây dựng. Nhiều công trình, dự án được triển khai, nhiều mô hình kinh tế được xây dựng, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc.

Đứng thứ 2 về tỷ lệ ô nhiễm bom mìn là Quảng Ngãi. Với 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó có 680 khu vực bị ô nhiễm với diện tích ước tính hơn 232.450 ha, chiếm 38,8% diện tích toàn tỉnh nên số người chết và bị thương do ảnh hưởng bom mìn, vật nổ tồn đọng sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi  rất cao. Chỉ tính từ năm 1975 đến 2006 đã có gần 3.000 người bị chết và bị thương, bình quân hàng năm có 47 người chết và 52 người bị thương do bom mìn.

Đại tá Trần Xi Noa, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2010 đến nay, Bộ CHQS Quảng Ngãi triển khai thực hiện Dự án "Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010- 2015". Bước đầu, dự án đã trả lại hơn 3.600 ha đất sạch cho người dân địa phương canh tác, tái định cư. Giai đoạn 2010 - 2015, Quảng Ngãi thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ trên tổng diện tích 20.245 ha; trong đó thành phố Quảng Ngãi 860 ha, các huyện: Tây Trà 230 ha; Sơn Hà 2.000 ha, Trà Bồng 2.908 ha, Bình Sơn 5.080 ha, Sơn Tịnh 3.049 ha, Tư Nghĩa 1.050 ha, Nghĩa Hành 1.566 ha, Đức Phổ 3.002 ha, Lý Sơn 520 ha với tổng mức đầu tư gần 510 tỷ đồng.

  Sự nỗ lực của các địa phương như Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và các tổ chức nhân đạo quốc tế nói riêng, cả nước nói chung trong công tác rà phá bom mìn là rất lớn, song không thể phủ nhận rằng diện tích được giải phóng sạch bom, mìn vật nổ còn quá nhỏ so với diện tích bị ô nhiễm. Theo kết quả điều tra sơ bộ, tổng diện tích ô nhiễm bom, mìn ở nước ta sau chiến tranh khoảng 6,6 triệu ha, chiếm trên 20% diện tích cả nước. Số bom, mìn chưa nổ đang nằm rải rác hầu hết ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó nhiều nhất là tại các tỉnh miền Trung.

Theo tính toán, muốn rà phá hết bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở nước ta, cần hàng chục tỷ USD và kéo dài trong nhiều năm. Vì vậy, Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) được coi như một nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom, mìn. Việc ra đời của Trung tâm VNMAC sẽ có tác động tích cực cho những hoạt động của các đối tác giúp Việt Nam giải quyết nạn ô nhiễm bom, mìn cũng như hậu quả bom, mìn gây ra, góp phần ổn định cuộc sống người dân, hạn chế thương vong và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

B.T (Tổng hợp)