Trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt

Thứ năm, 21/08/2014 07:17

(Cadn.com.vn) - Hiện nay trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, không chỉ có các bạn trẻ mà những người lớn tuổi thường gọi các mệnh giá tiền Việt Nam bằng "củ", "chai", "xị"... Tại nhiều các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán niêm yết giá cả các mặt hàng theo kiểu ngôn ngữ tiếng lóng "Việt không ra Việt, Tây không ra Tây". Điều này  không chỉ làm đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn làm tổn hại đến tên gọi đồng tiền Việt Nam.

Đi dọc các tuyến phố buôn bán sầm uất nhất TP Đà Nẵng, chúng tôi gặp nhiều cửa hàng, cửa hiệu buôn bán treo các biển báo giá 35k, 75k, 95k, 175k... thay bằng việc niêm yết giá theo mệnh giá tiền Việt Nam đồng trên các mặt hàng, sản phẩm. Người dân cũng như nhiều du khách trong nước và nước ngoài tỏ ra thắc mắc, không hiểu như thế nào. Hỏi chủ các cửa hàng buôn bán thì được họ giải thích, chữ "K" có nghĩa là "nghìn đồng, ngàn đồng".

Tuy nhiên, chính những người bán hàng này cũng không biết vì sao lại gọi như vậy? Một chủ cửa hàng bán quần áo trên đường Lê Duẩn (Q.Hải Châu) thành thật nói: "Thực ra mình không biết lý do gì mà người ta gọi "K" thay cho "ngàn đồng hay nghìn đồng" theo giá trị tiền Việt Nam đồng. Thấy con gái thường hay xin tiền mà cứ gọi 50.000 đồng là 50K, 100.000 đồng là 100K... thành ra mình nhiễm cách nói của con lúc nào không biết. Sau đó thấy một số cửa hàng buôn bán cũng treo các biển báo giá ghi chữ K nên cửa hàng mình làm theo".

Nhiều quán bán hàng ăn nhanh, đồ ăn vặt, quán cà-phê, nước giải khát niêm yết giá cả cũng bằng "K" nhưng không hiểu cách gọi này có nguồn gốc từ đâu. Tìm hiểu trên các trang mạng Internet được biết, ký hiệu này có nguồn gốc từ Game online, số tiền trong trò chơi đó được tính bằng K. Sau được nhiều teen ưa thích nên trở thành ngôn ngữ tiếng lóng dùng để giao tiếp hằng ngày. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng "K" là chữ viết tắt của từ Kilô, một tiền tố gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là một nghìn; chữ K (hay Kilô) được viết liền trước một đơn vị đo lường quốc tế để chỉ bội số lớn gấp 1.000 lần. Trước năm 2000, tiền tố Kilô (k) chỉ được dùng đối với các đơn vị đo lường (kilôgam, kilômét, kilôwatt...) nhưng từ sau năm 2000 tiền tố này được dùng khá rộng rãi để chỉ đơn vị hàng nghìn, có lẽ bắt nguồn từ cách viết Y2K của giới tin học nhằm ám chỉ sự cố máy tính năm 2000.

Các cửa hàng buôn bán dùng ngôn ngữ tiếng lóng để niêm yết giá cả các mặt hàng.

Cô Phạm Thị Thu Hà,  giảng viên ngành Báo chí (khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận: "Việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp đã trở thành một hiện tượng, một xu thế phổ biến của giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Nhiều bạn trẻ hiện nay quan niệm rằng, phải nói như thế mới hợp thời, mới đúng "mốt", chính vì vậy, dần dần, cách nói này được đa số thanh niên sử dụng một cách tùy tiện, mà các em không ý thức được rằng đây là ngôn ngữ không hợp lệ, sự pha tạp, "lai căng" đã làm tổn hại nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt".

Thạc sĩ Phan Quốc Hải, giảng viên khoa Báo chí-Truyền thông (Trường ĐH Khoa học - Đại học Huế) nhận định: hiện nay đang có sự pha trộn một cách tùy tiện giữa các ngôn ngữ như: ngôn ngữ máy tính, ngôn ngữ Internet, ngôn ngữ ĐTDĐ, ngôn ngữ quảng cáo... để cho ra đời một dạng tiếng lóng được giới trẻ ưa thích. Tuy nhiên, việc lạm dụng ngôn ngữ tiếng lóng này quả là  nguy hiểm, bởi một khi thứ tiếng pha tạp, "lai căng" này được đưa vào các ngôn ngữ chính thức, cùng các hình thức kinh doanh, buôn bán theo kiểu "cổ súy" cho trào lưu này, không chỉ ảnh hưởng đến ngôn ngữ tiếng Việt, mà còn gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, đạo đức và các giá trị truyền thống khác.

Đại Khải