Trách nhiệm pháp lý khi vi phạm hợp đồng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thứ hai, 16/03/2020 16:11

Ông Dương Văn Thành- Giám đốc một Cty TNHH tại Quảng Nam, hỏi: ngày 25-8-2019, công ty (Cty) chúng tôi có ký hợp đồng (HĐ) về việc cung cấp nguyên liệu thô cho một đơn vị tại Đà Nẵng. Chúng tôi thực hiện đúng nội dung HĐ về số lượng nguyên liệu cung cấp hàng tháng đến tháng 1-2020. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi và trong thời gian tới, chúng tôi không thể tiếp tục thực hiện HĐ bởi tình hình dịch bệnh làm cho công tác thu mua của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Và về lâu về dài, với tình trạng này, chúng tôi có thể phải đơn phương chấm dứt HĐ. Do đó, chúng tôi cần biết rằng trong trường hợp này, Cty chúng tôi có bị phạt hay bồi thường HĐ không ?

Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong – Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng - trả lời: Trước tiên, để xác định trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện đúng hay đơn phương chấm dứt HĐ, ông Thành cần phải xem xét toàn bộ nội dung HĐ mà các bên đã ký kết. Các bên đã thỏa thuận với nhau trường hợp nào được xem là vi phạm và phải chịu trách nhiệm như thế nào. Kế đến, về nguyên tắc cơ bản, khi không tuân thủ, thực hiện đúng theo cam kết tại HĐ hoặc đơn phương chấm dứt HĐ trái pháp luật thì bên vi phạm phải chịu phạt và/hoặc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định bên vi phạm không phải chịu phạt và/hoặc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng. Cụ thể, theo Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; theo Luật Thương mại 2005, bên vi phạm HĐ được miễn trách nhiệm trong các trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Theo đó, một sự kiện được coi là bất khả kháng để làm căn cứ miễn trách nhiệm HĐ cần phải thỏa mãn các dấu hiệu: xảy ra sau khi các bên đã giao kết HĐ; có tính chất bất thường mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được; là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm HĐ. Như vậy, các trường hợp bất khả kháng có thể bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, đình công, sự thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, dịch bệnh… Covid-19 đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao) nên có thể được xem là một dấu hiệu của sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, để được áp dụng miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng thì Cty của ông Thành cần phải chứng minh được sự cố dẫn đến vi phạm HĐ thỏa mãn cả 3 điều kiện trên. Ông Thành cũng cần lưu ý rằng, theo quy định tại Điều 296, Luật Thương mại năm 2005, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ HĐ, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ HĐ được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425.