Trách nhiệm trên không gian mạng

Thứ năm, 14/06/2018 06:55

Đã hơn 3 tháng trôi qua, phóng viên Việt Hùng (báo Nghệ An) vẫn nhớ rõ từng chi tiết vụ việc xảy ra ở H. Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chiều 11-3-2018, khi anh đến hiện trường vụ việc, thi thể nữ sinh H.T.L đang được đưa đi mai táng. Sáng hôm đó, người nhà và hàng xóm phát hiện thi thể H.T.L tại ao cá gần nhà, trên bờ có một đôi dép và một chiếc điện thoại…

Bố nạn nhân là nông dân, ngoài 40 tuổi, kể lại trong cơn phẫn uất, đau khổ tột cùng. Tối đó, vợ chồng ông sang nhà người bà con chơi, H.T.L ở nhà bày các em nhỏ học bài như mọi khi. Đến khuya, khi vợ chồng về thì không thấy H.T.L đâu, liên hệ nhiều nơi không có thông tin, cả nhà chia nhau ra đi tìm. Việc tìm kiếm diễn ra suốt đêm, đến khoảng 5 giờ sáng thì phát hiện thi thể H.T.L. Quay trở về nhà, gia đình phát hiện ở cánh tủ lạnh có giắt một tờ giấy học trò. Đó là bức thư tuyệt mệnh. H.T.L để lại lời nhắn sau cuối: “Con xin lỗi ba mẹ...”. Đó cũng là những lời cuối cùng của cô gái xinh đẹp, học giỏi nhất nhì lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Bi kịch của H.T.L bắt đầu từ một trò đùa. Khi đó, em và một bạn trai vô ý hôn nhau trong lớp học. Cảnh này đã được ghi lại bởi một chiếc điện thoại, sau đó, bị một trang mạng đăng tải. Nó tiếp tục được phát tán khủng khiếp thông qua mạng xã hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, ít nhất 1,2 triệu người truy cập. Thế là một làn sóng những bình luận gay gắt, dữ dội tràn đến. Cái kết sau cùng, một sinh linh từ giã cõi đời.

Có một câu hỏi đặt ra: Ai đã gây ra cái chết cho nữ sinh H.T.L? Đó là người đã quay lại đoạn clip?, hay trang mạng vô trách nhiệm kia?, hay... chúng ta? Hai chủ thể đề cập trước (người quay clip, trang mạng) thì có lẽ đã phần nào rõ rồi. Nhưng còn chúng ta, liệu có trách nhiệm gì không? Tôi đồ rằng, không một ai, kể cả những người đã đưa ra bình luận tàn nhẫn, những người bấm nút like, nút share... lại hình dung nổi, chính bản thân mình đã hợp lực cùng với những người khác tạo thành cánh tay vô hình mà vô cùng khủng khiếp đẩy cô bé học trò tội nghiệp kia xuống ao.

Thực ra, nhận thức được trách nhiệm bản thân trên không gian mạng là vấn đề phức tạp, cũng là một trong những chủ đề được đề cập ở hầu hết các cấp độ, từ người sử dụng, nhà cung cấp dịch vụ và các cấp thẩm quyền. Đồng thời, nó cũng không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Đề cập tới vấn đề này, có lẽ, không ai rõ hơn Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Tại phiên điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ, diễn ra khi dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook bị Cambridge Analytica khai thác trái phép, ông Mark Zuckerberg thừa nhận đã quá lý tưởng và thất bại trong việc ngăn chặn nền tảng này có thể bị lợi dụng và thao túng. Đồng thời, ông thừa nhận một cách thẳng thắn rằng: “Chúng tôi đã không kiểm soát toàn bộ trách nhiệm của mình. Đây là sai sót lớn. Đó là lỗi của tôi và tôi xin lỗi về việc này”. (Ông chủ Facebook tại Quốc hội Mỹ: “Là lỗi của tôi. Tôi xin lỗi”, News.zing.vn, ngày 10-4-2018). 

Nếu Mark Zuckerberg và Facebook mắc sai sót lớn, liệu các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng Internet... có bị mắc sai lầm hay không; nếu có, họ có phải chịu trách nhiệm hay không? Nếu cha đẻ của Facebook không kiểm soát toàn bộ trách nhiệm của mình thì toàn bộ hàng triệu  người dùng dịch vụ có thể tự giác kiểm soát trách nhiệm của mình hay không? Thiết tưởng, những câu hỏi này đã quá rõ ràng. Cuối cùng, một câu hỏi hiển nhiên được đặt ra: Liệu có cần thiết ban hành một đạo luật để điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng, từ đó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng hay không?

Chúng tôi cho rằng, trả lời cho câu hỏi này chính là góp phần quan trọng trả lời cho câu hỏi có nhất thiết ban hành Luật An ninh mạng hay không? Ở đây, xin trích dẫn trả lời báo chí của ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua là xây dựng không gian mạng lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước. Vì vậy, trong Luật có nhiều quy định tập trung vào hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm không gian mạng nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Đáng tiếc, khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, với một số quy định nhằm xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ mạng, trong đó có mạng xã hội, bên cạnh đông đảo nhà quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng đồng tình việc Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng thì cũng có một số tổ chức, cá nhân bày tỏ không đồng tình; điều này hoàn toàn dễ hiểu, nhất là đối với vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người. Điều đáng nói là, không hiểu vô tình hay cố ý, những người phản đối quên mất rằng, không phải Việt Nam là quốc gia duy nhất ban hành Luật An ninh mạng. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất 18 quốc gia đã ban hành đạo luật này, trong đó có Mỹ, Canada, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil. Có nghĩa là, Việt Nam đang thực hiện đúng thông lệ quốc tế, kể cả thông lệ của những quốc gia có doanh nghiệp toàn cầu đang cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam.

Và, cũng thật ngạc nhiên, những người phản đối dường như không để ý đến thông tin cách đây chưa đến 1 tháng, chính xác là từ ngày 25-5-2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh Châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực. Theo đó, EU cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình. EU yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân như thế nào, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba, nếu vi phạm mức phạt có thể lên tới 20 triệu EUR hoặc 40% doanh số toàn cầu của công ty vi phạm.

Trong bức tranh chung đó, cũng có thể thấy ngay rằng, trong số những tiếng nói phản đối, hầu như không có mặt những nhà cung cấp dịch vụ quan trọng nhất ở thị trường Việt Nam, như Cốc Cốc, Google, Facebook (thực tế Google, Facebook đã đặt gần 2.000 máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam)... Vậy những ý kiến phản đối chủ yếu đến từ đâu? Đó là một bộ phận người dùng mạng xã hội; và, tất nhiên rồi, các nhà “dân chủ chuyên nghiệp” cùng với một số cơ quan báo chí, truyền thông ở nước ngoài, với luận điệu chưa bao giờ thay đổi: Xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ, tạo bất ổn ở Việt Nam. Trên thực tế, họ hầu như phản đối, chê bai, xuyên tạc bất cứ vấn đề gì, miễn là vấn đề đó liên quan đến công cuộc xây dựng, bảo vảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Về những điều luật cũng như tranh biện về tính đúng đắn của các điều luật trong Luật An ninh mạng, những ngày qua đã được các chuyên gia, nhà quản lý, cấp thẩm quyền đề cập khá chi tiết, cụ thể; trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin không dẫn lại. Ở đây chỉ xin đặt ra một vấn đề cũ kỹ, đó là trách nhiệm. Khi tất cả chúng ta thực tế đã chịu trách nhiệm trong không gian thực, trong đời sống hằng ngày, khi mỗi lời nói, việc làm đều bắt buộc phải tuân thủ quy chuẩn của đạo đức, pháp luật..., liệu đã sẵn sàng để chịu trách nhiệm trên không gian mạng hay không? Liệu cái chết của nữ sinh H.T.L ít ra cũng trở thành một điều nhắc nhở khi bấm nút like, nút share, hay chỉ đơn giản đó là một tai nạn đã rơi vào quên lãng? Xin trích dẫn lời của một người Mỹ, bà Eleanor Roosevelt, như lời kết cho bài viết này: “Tự do đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người. Đi cùng với tự do là trách nhiệm. Với người không sẵn sàng trưởng thành, người không muốn mang sức nặng của chính mình, đây là một viễn cảnh đáng sợ”.

NGUYỄN LÊ