“Trái đắng” từ vay tiền nhanh qua Zalo
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về hành vi lừa đảo vay tiền qua mạng xã hội Zalo, song đến nay vẫn có nhiều người “sập bẫy” của các đối tượng tội phạm lừa đảo. Nhất là trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân có nhu cầu vay tiền nhiều nên các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý muốn vay nhanh của những người có nhu cầu, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hình thức lừa đảo từ vay tiền nhanh qua Zalo khiến vô số nạn nhân sập bẫy, được cảnh báo trên các trang mạng.
Đầu tháng 11-2021, Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã tiếp nhận tin báo của 2 bị hại liên quan đến hình thức lừa đảo này. Vụ thứ nhất, sáng 5-11, anh Huỳnh Thế N. (1988, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) đến Đồn Công an Khu công nghiệp Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu), trình báo về việc bị tài khoản Zalo có tên “Đinh Trọng Dũng” lừa mất hàng chục triệu đồng. Theo trình bày của anh N., ngày 01-11, anh kết bạn với tài khoản Zalo có đăng tin hỗ trợ cho vay tiền là “Đinh Trọng Dũng” để hỏi về việc vay vốn làm ăn. Ngày 3-11, tài khoản Zalo “Đinh Trọng Dũng” yêu cầu anh N. đăng ký tài khoản trên trang web "hahameng.com" và liên lạc số điện thoại 0586.785.119 để được tư vấn. Sáng 4-11, khi anh N. đang làm việc tại công ty trong Khu công nghiệp Hòa Khánh thì một tài khoản Zalo có số điện thoại 0586785119 mang tên “Luật” xưng là chuyên viên tín dụng hỏi anh về khoản vay sau đó yêu cầu anh cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân, tài khoản ngân hàng. Trưa cùng ngày, tài khoản Zalo “Luật” thông báo hồ sơ vay tiền của N. đã được “duyệt” và yêu cầu N. vào trang web “hahameng.com” để rút tiền.
Tưởng thật, anh N. làm theo hướng dẫn thì thấy hệ thống báo lỗi sai lệch thông tin, nên tài khoản Zalo “Luật” yêu cầu anh N. chuyển tiền 5 lần với 35 triệu đồng (3 lần 5 triệu đồng và 2 lần 10 triệu đồng) vào tài khoản ngân hàng Vietinbank 102874168979 mang tên “Truong Kim Nhan” với lý do để chỉnh sửa thông tin bị lỗi và chứng minh tài chính của anh. Chiều cùng ngày, anh N. vào lại tài khoản vay tiền vẫn thấy bị lỗi nên tài khoản Zalo “Luật” hướng dẫn anh N. gọi đến số điện thoại 0564.353.667 để gặp Phạm Quang Hưng là “Phó phòng tài chính” xử lý. Lúc này, anh N. được Hưng yêu cầu chuyển thêm 42 triệu đồng để làm lại tài khoản. Thấy số tiền ông Hưng yêu cầu quá lớn nên anh N. không chuyển. Bán tín bán nghi, sáng 5-11 anh N. lật đật đến ngân hàng Vietinbank để hỏi thì mới biết mình bị lừa.
Vụ lừa đảo thứ 2 xảy ra chiều 11-11, anh Trần C. (1992, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) nhận được lời mời kết bạn từ tài khoản Zalo tên "Trân Trung Thành", số điện thoại 0933173704. Kết bạn xong, tài khoản trên hướng dẫn anh C. vay tiền thông qua App Lotte Finace. Do đang cần vốn làm ăn lại gặp “đối tác” cho vay tiền không cần chứng minh thu nhập và tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh nên anh C. liên hệ tìm hiểu. Lập tức, đối tượng tự xưng là cán bộ ngân hàng, cam kết cho anh C. vay khoản tiền đang cần. Về thủ tục, “đối tác” nói với anh chỉ cần gửi ảnh, sổ hộ khẩu, phí hồ sơ, chỉ sau vài giờ lập tức được “giải ngân”.
Để anh C. tin tưởng, “đối tác” gửi thông báo phê duyệt khoản vay có sử dụng con dấu giả và yêu cầu đăng nhập ứng dụng để hoàn tất các thủ tục. Sau khi điền đầy đủ thông tin theo hướng dẫn, anh C. nhận được hướng dẫn chuyển các khoản tiền hồ sơ, phí bảo hiểm vào tài khoản 19029027512029 của ngân hàng Techcombank để nhanh chóng được giải ngân. Trưa ngày 12-11, anh C. chuyển 2 lần, với tổng số tiền 15 triệu đồng vào tài khoản trên nhưng sau khi chuyển tiền, anh C. liên hệ lại tài khoản Zalo "Trận Trung Thành" để nhận tiền thì bị chặn. Sau cả ngày trời tìm cách liên hệ không được, anh C. mới biết mình đã bị lừa nên báo sự việc với cơ quan Công an.
Có thể thấy, thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua Zalo là chiêu trò cũ và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, nhưng nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn dễ dàng "sập bẫy". Do đó, để hạn chế rủi ro từ chiêu thức lừa đảo này, người dân phải hết sức cẩn trọng, nhất là khi được bên cho vay yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính hay bất kỳ yêu cầu chuyển tiền nào khác. Ngoài ra, cũng không nên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân cho bất cứ ai hoặc bất cứ website, ứng dụng lạ nào. Từ những vụ lừa đảo nói trên, Công an quận Liên Chiểu khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội. Những lời mời chào vay vốn với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo hiểm để giải ngân đều là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Công Hạnh