Trái đất hoang dã và sạch sẽ hơn
Một cuộc khủng hoảng lớn bất ngờ đang thay đổi Trái đất. Khi hầu hết mọi người trên toàn thế giới ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, không khí đã sạch hơn, mặc dù chỉ là tạm thời.
Đã không còn tình trạng khói bụi mù gây nghẹt thở ở New Delhi, một trong những thành phố ô nhiễm nhất Ấn Độ và cả thế giới. Đây là một trong những cảnh tượng không thể nhìn thấy trong nhiều thập kỷ qua. Ô nhiễm ở Mỹ cũng giảm 30%. Mức ô nhiễm không khí ở Rome, Italia từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 đã giảm 49% so với 1 năm trước. Vào ban đêm, những ngôi sao dường như được nhìn thấy rõ hơn. Chất lượng không khí từ Boston cho đến Washington là sạch nhất kể từ khi một vệ tinh của NASA bắt đầu đo NO2 vào năm 2005. So với 5 năm trước, ô nhiễm không khí vào tháng 3 giảm 46% ở Paris, 35% ở Bengaluru và Ấn Độ, 38% ở Sydney, 29% ở Los Angeles… Phần lớn ô nhiễm là do đốt nhiên liệu hóa thạch, tồn tại trong thời gian ngắn, vì vậy không khí sẽ được làm sạch nhanh chóng khi hầu hết mọi người ở nhà. Điều này đã cho con người có một cái nhìn thoáng qua về những gì có thể xảy ra nếu bắt đầu chuyển sang sử dụng những chiếc xe không gây ô nhiễm.
Không khí sạch hơn gây chú ý nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Vào ngày 3-4, người dân của Jalandhar, một thành phố ở phía bắc Punjab của Ấn Độ, nhìn thấy cảnh tượng chưa từng có trong nhiều thập kỷ: đỉnh Himalaya tuyết phủ hơn 160km. Không khí sạch hơn đồng nghĩa với việc phổi của bệnh nhân hen sẽ đỡ hơn rất nhiều, đặc biệt là trẻ em. Và các nghiên cứu ban đầu cũng liên kết mức độ nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 với những người có phổi yếu và những người ở khu vực ô nhiễm hơn, mặc dù còn quá sớm để nói yếu tố nào mạnh hơn.
Mọi người cũng chú ý đến động vật hoang dã. Chó sói được nhìn thấy dọc theo trung tâm Đại lộ Michigan và gần Cầu Cổng Vàng San Francisco. Một con báo sư tử lang thang trên đường phố Santiago, Chile. Ở Ấn Độ, động vật hoang dã đã trở nên táo bạo hơn khi những con khỉ đói vào nhà và mở tủ lạnh để tìm thức ăn. Tại Adelaide, Australia, cảnh sát đã chia sẻ một đoạn băng về một con chuột túi đi quanh khu vực trung tâm thành phố, và một đàn chó rừng đã chiếm giữ một công viên đô thị ở Tel Aviv, Israel. “Chúng ta không bị xâm chiếm. Động vật hoang dã luôn ở đó, nhưng nhiều loài động vật sợ con người. Chúng đi ra khi con người ở nhà”, một nhà khoa học cho biết.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, các khí gây hiệu ứng nhà kính và gây ra biến đổi khí hậu tồn tại trong khí quyển từ 100 năm trở lên, do đó, việc ngừng hoạt động do đại dịch không có khả năng ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu. Mức NO2 vẫn đang tăng, nhưng không nhanh như năm ngoái.
THANH VĂN