Trải nghiệm xe buýt trợ giá Đà Nẵng

Thứ ba, 03/01/2017 08:25

(Cadn.com.vn) - Chiều chủ nhật, ngày 1-1-2017, tôi bắt đầu khởi hành ngày đi làm đầu tiên của năm mới khác với thường lệ; thay vì sử dụng phương tiện cá nhân, tôi chọn xe buýt trợ giá của TP Đà Nẵng. Đây cũng là ngày đầu tiên, TP Đà Nẵng đưa vào vận hành tuyến xe buýt trợ giá số 8 và số 12. Hành trình của tôi bắt đầu từ đường Lý Nhật Quang (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) đi đến đường Phan Châu Trinh (P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu).

Với hành trình của mình, tôi chọn đi xe tuyến số 12. Lúc 14 giờ 20, tại trạm dừng trên đường Lý Nhật Quang, chỉ mình tôi đợi xe. Trong lúc chờ xe tuyến 12, tôi tranh thủ qua bên kia đường, trò chuyện với tài xế và nhân viên xe buýt BKS 43B-03181, chạy tuyến số 8 (Thọ Quang – Phạm Hùng). Tài xế Trương Quốc Long và nhân viên phục vụ Trần Nhân Ái cho biết, đây là ngày đầu tiên mở tuyến số 8, nên xe anh khá vắng khách. Tuy vắng khách, mọi yêu cầu công việc đều được tài xế và nhân viên phục vụ tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là giờ khởi hành. Theo yêu cầu, thời gian anh chạy từ đầu tuyến đến cuối tuyến là 55 phút, thời gian này chỉ xê dịch (sớm hoặc trễ) trong khoảng 5 phút.

Tài xế Võ Xuân Đông điều khiển xe buýt BKS 43B-03125. 

Anh Trương Quốc Long cho rằng, với điều kiện lưu thông hiện tại, các xe buýt hầu như đều vận hành rất thuận tiện, đúng giờ. Thêm vào đó, mật độ xe buýt các tuyến khá dày, 20 phút/chuyến vào giờ bình thường, 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm, nên người dân, du khách chủ động bố trí công việc thì hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng xe buýt thay cho phương tiện cá nhân.

Đúng 14 giờ 29, tài xế Trương Quốc Long khởi động xe buýt BKS 43B-03181, một phút sau, anh bắt đầu hành trình của mình. Rất tiếc, lúc này trên xe vẫn chưa có hành khách nào. Tôi xuống xe trở lại trạm chờ bên kia đường, lúc đó, xe buýt BKS 43B-03125 cũng vừa đến. Điều khiển xe là tài xế Võ Xuân Đông, nhân viên phục vụ là anh Nguyễn Hoàng. Ngay khi vừa bước vào xe, tôi đã cảm nhận được mùi hương dịu nhẹ rất dễ chịu, cảm giác như vừa bước vào chiếc xe gia đình chứ không phải phương tiện công cộng. Người có kinh nghiệm lái xe dễ dàng nhận ra rằng, mùi thơm của xe chỉ có được khi chiếc xe được vệ sinh rất kỹ. Không chỉ thường xuyên làm vệ sinh ở khoang lái, khoang hành khách, nội thất..., mà ở cả thân vỏ, gầm, máy... Nói chung, với mùi thơm hiện hữu, đây chắc chắn là một chiếc xe sạch sẽ từ trong ra ngoài.

Anh Trần Nhân Ái, nhân viên phục vụ trên tuyến xe buýt số 8, và giấy chứng nhận nghiệp vụ do Hiệp hội vận tải ô-tô Đà Nẵng cấp. 

Điều ấn tượng tiếp theo với tôi là một chiếc túi cứu thương treo ở sau ghế phụ trước. Anh Nguyễn Hoàng cho biết, trong đó đựng các thiết bị y tế phục vụ sơ cứu, cấp cứu. Trong trường hợp cần thiết, anh có thể sử dụng để hỗ trợ hành khách. Tất cả các nhân viên phục vụ xe buýt trợ giá của TP Đà Nẵng đều đã trải qua lớp huấn luyện về sơ cứu, cấp cứu. Thêm vào đó, họ còn được đào tạo riêng về phục vụ du khách đi xe buýt. Khóa huấn luyện do Hiệp hội vận tải ô-tô Đà Nẵng triển khai, kéo dài khoảng 2 tuần, sau thời gian huấn luyện, tất cả học viên đều phải thi để được cấp giấy chứng nhận, ai đạt mới được tuyển dụng, không đạt thì bị loại.

Anh Nguyễn Hoàng, nhân viên phục vụ trên xe buýt tuyến số 12, kiểm tra nhật ký hành trình. 

Khi chiếc xe buýt đi qua cầu Thuận Phước, tôi nhận ra một điều thú vị bất ngờ. Đó là những tấm cửa kính rất rộng của xe, cho phép hành khách thưởng lãm khung cảnh xung quanh  một cách dễ dàng. Tôi tin chắc rằng, với những người thường selfie (chụp ảnh tự sướng!), thì tấm cửa kính rộng của chiếc xe buýt thực sự là một khung ảnh ấn tượng, khó có thể bỏ qua. Anh Nguyễn Hoàng cho biết, đây là những tấm kính gắn cố định vào thân xe, không thể mở, nhằm bảo đảm tầm nhìn cho tất cả hành khách. Nhà sản xuất cũng đã lắp đặt sẵn những chiếc búa nhỏ gắn dọc thân xe để trong trường hợp khẩn cấp, hành khách dễ dàng đập vỡ kính để thoát hiểm một cách nhanh nhất.

Túi cứu thương và bình cứu hỏa trên xe buýt. 

Đúng 15 giờ 5, tôi xuống xe tại trạm dừng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Vì đây là điểm dừng rất gần chỗ làm việc ở đường Phan Châu Trinh, tôi không phải bắt thêm xe nữa mà đi bộ đến cơ quan. Như vậy, hành trình của tôi kết thúc sau 35 phút với quãng đường chừng 7-8km. So với phương tiện cá nhân, tôi chậm hơn chừng 15 – 20 phút. Nhưng bù lại thì vô số cái hơn: An toàn hơn, thư thái hơn, chi phí thấp hơn rất nhiều lần, ngắm cảnh nhiều hơn, không phải quá bận tâm trời mưa hay nắng, có chỗ đậu xe hay không... Và, có một điều khác nữa, dù không hoàn toàn chắc chắn nhưng ít ra cũng là một khả năng cao: Tôi có thể chọn xe buýt thay cho phương tiện cá nhân đã gắn bó hàng chục năm nay. Đó sẽ là sự thay đổi đáng kể trong nhịp sống hằng ngày.

Xe buýt trợ giá Đà Nẵng tại đường Lý Nhật Quang.

Nguyễn Lê

Tiếp tục đưa vào hoạt động  2 tuyến xe buýt trợ giá

ĐÀ NẴNG- Sở GTVT TP cho biết, từ ngày 1-1-2017, TP tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 2 tuyến xe buýt trợ giá phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách, gồm: tuyến số 8 và số 12. Thời gian hoạt động của các tuyến trợ giá từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày; tần suất hoạt động giờ cao điểm 10 phút/chuyến, giờ bình thường 20 phút/chuyến; giá vé 5.000 đồng/lượt, vé tháng bình thường 90.000 đồng/tháng và giá tháng cho đối tượng ưu tiên là 45.000 đồng/tháng.

Theo lộ trình của tuyến số 8 như sau: đường Lý Nhật Quang - Khúc Hạo - Dương Văn Nga - Vân Đồn - Trần Thánh Tông - Ngô Quyền - cầu Tiên Sơn - Xô Viết Nghệ Tĩnh- Nguyễn Phong Sắc - Trần Thủ Độ - Trần Phước Thành - Đường CMT8 - Ông Ích Đường - cầu Cẩm Lệ - Trạm xe buýt Phạm Hùng và ngược lại.

Tuyến số 12 đi từ Hoàng Sa - Lê Đức Thọ - Yết Kiêu - Ngô Quyền - Trần Thánh Tông - Khúc Hạo - Lý Nhật Quang - Chu Huy Mân - cầu Thuận Phước - Xuân Diệu - Đường 3/2 - Đống Đa - Lý Tự Trọng - Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Hàm Nghi - Lê Đình Lý - Duy Tân - cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Thoại - Trạm xe buýt Trường Sa; chiều về Trạm xe buýt Trường Sa - Nguyễn Văn Thoại - cầu Trần Thị Lý - Duy Tân - Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu - Thái Phiên - Nguyễn Chí Thanh - Hùng Vương - Bạch Đằng - Đường 3/2 - Xuân Diệu - cầu Thuận Phước - Chu Huy Mân - Khúc Hạo - Trần Thánh Tông - Ngô Quyền - Yết Kiêu - Lê Đức Thọ - Trạm xe buýt Hoàng Sa.

Công Hạnh