Trại sáng tác văn học, mỹ thuât thiếu nhi Đà Nẵng hè 2017: Hứa hẹn niềm hy vọng mới
(Cadn.com.vn) - LH Hội VHNT Đà Nẵng vừa tổ chức tổng kết Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng hè 2017. Ở bộ môn văn học, năm nay có 19 em nộp bài, với 30 tác phẩm. Trong đó, có 9 bài thơ, 21 tản văn và truyện ngắn. Về độ tuổi: nhỏ nhất lớp 7 và lớn nhất là lớp 10, đến từ các trường THPT và THCS trong thành phố. Cũng như phần lớn các Trại sáng tác hàng năm, hầu hết tác phẩm các em tham gia Trại viết dự trại đều xoay quanh các đề tài gần gũi, quen thuộc với lứa tuổi học trò như gia đình, bạn bè, trường học, thiên nhiên, thành phố quê hương...
Theo Hội đồng giám khảo, ở mảng thơ năm nay các em chưa được đánh giá cao, mặc dù số lượng nhiều hơn các năm trước, có em tham gia đến 5 tác phẩm. Bởi thơ tuy dễ làm, nhưng khó hay. Nếu càng quá chú trọng vần điệu và ý tưởng câu chữ, thì càng mất đi chất hồn nhiên, trong sáng của thơ (nhất là thơ dành cho tuổi thơ). Dù vậy, vẫn có một số bài thơ nổi trội. Ở mảng văn xuôi, mặc dù rải rác vẫn còn một số bài viết diễn đạt dông dài, cách dựng truyện đơn giản hoặc tối nghĩa thì đáng mừng là phần lớn tác phẩm dự Trại đều được đầu tư khá công phu. Một số bài viết ngắn, gần gũi với tản văn súc tích và giàu chất thơ như Cái giếng (Nguyễn Khánh Đông), Chú chim non (Nguyễn Nho Minh Uyên), Tầng năm - năm tầng (Trần Thu Hà)... Nhiều truyện ngắn có đề tài phong phú và cốt chuyện hồn nhiên, sinh động.
Điển hình như truyện “Betta tìm chu”, “Chú bé khốn khổ” của Lê Ngô Tường Vy (Trường THCS Nguyễn Văn Linh), thể hiện tác giả có sở trường diễn đạt, xây dựng nội dung truyện một cách tự nhiên, giàu hình ảnh và chứa đựng lòng nhân ái. Nguyễn Võ Minh Hằng (Trường THPT Phan Châu Trinh), với hai truyện ngắn Mối tình đầu và Tình bạn đã cho thấy tác giả đang hướng đến những cảm xúc trăn trở của tuổi mới lớn. Nơi đây, đôi khi “là bản tình ca đẫm màu sắc u buồn về tình yêu đơn phương”, đôi khi “tình bạn là thứ tình cảm, có khi còn lãng mạn hơn cả tình yêu” và cuối cùng tác giả “cũng đã hiểu ra ranh giới khác biệt to lớn giữa cái gọi là tình bạn với cái tên tình yêu”... Nguyễn Thái Bình An (Trường THPT Phan Châu trinh) với “Khúc hát mặt trời” và “Cây dương cầm”; Nguyễn Anh Thư (Trường THCS Nguyễn Thị Định) với “Giấc mơ”... cũng đã góp phần đem đến Trại viết những giọng nói mới lạ.
Trại sáng tác hè năm nay, cho thấy có những những dấu hiệu các em muốn bứt phá vươn đến sự sáng tạo mạnh mẽ, đối mặt với những nghĩ suy, xao động về nỗi buồn, cô đơn và sự mất mát... như một cách chuẩn bị cho tuổi vào đời. Đặc biệt, đáng chú ý hơn cả, ở truyện ngắn “Bạn tôi” của Thái Nguyễn Khánh Uyên (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) được hư cấu từ một chủ đề không dễ dàng với lứa tuổi của tác giả (lớp 7). Truyện viết về cảm xúc từ cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai người bạn nhỏ. Đó là một truyện đẹp và buồn. Đôi khi có một chút ngộ nghĩnh không thể che giấu của tuổi thơ, như là một cái nhìn lạc quan của tác giả khi quay về thực tại... Và càng bất ngờ thêm nữa, Võ Thanh Nhật Anh (Trường THPT Phan Châu Trinh) qua truyện ngắn “Đông” cũng mang một chủ đề tương tự. Cũng là nỗi buồn. Cũng là chuyện về một người bạn “sang bên kia bầu trời”. Cũng là nỗi đau sâu đậm hơn sự tưởng tượng. Nhưng cách diễn đạt của Nhật Anh mang tâm trạng giằng xé, gặm nhấm trong những ngày Đông trôi qua. Vậy mà, cuối cùng, điều quan trọng nhất từ cú sốc tinh thần ấy, tác giả đã tìm mọi cách để đứng dậy, để mạnh mẽ, chín chắn hơn.
Có thể nói hai truyện ngắn của Khánh Uyên và Nhật Anh là hai tác phẩm được bàn luận khá nhiều trong Hội đồng Giám khảo, do chủ đề mang màu sắc ưu tư so với một Trại sáng tác thiếu nhi. Tuy nhiên, đó cũng là hai trong số những truyện ngắn được đánh giá cao nhất, bởi tinh thần sáng tạo, lối hành văn, cấu trúc mang phong cách mới mẽ, hứa hẹn nhiều hy vọng của thế hệ trẻ cầm bút trong tương lai.
TRẦN TRUNG SÁNG