Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng hè 2016: Cái đẹp gần gũi ở đời thường

Thứ sáu, 01/07/2016 09:55

(Cadn.com.vn) - Sau gần 15 ngày hoạt động, chiều nay, Trại sáng tác văn học thiếu nhi (VHTN) Đà Nẵng hè 2016 đã chính thức khép lại. Lễ tổng kết trao giải được diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng.

Một buổi sinh hoạt Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng hè 2016.

Tham dự Trại lần này có 23 em đến từ các trường THPT và THCS. Trong thời gian dự trại, các em đã được  các nhà văn, nhà thơ uy tín chuyên về thiếu nhi truyền đạt kiến thức, bồi dưỡng khả năng sáng tác thơ, văn. Các em còn đi tham quan, sáng tác thực tế tại hai làng nghề nổi tiếng là làng dệt chiếu Cẩm Nê và làng gốm Thanh Hà. Quá trình tham gia Trại, các em đã sáng tác được 39 tác phẩm văn xuôi và 25 bài thơ.

Bên cạnh những gương mặt mới, Trại sáng tác VHTN hè năm nay cũng gặp lại nhiều gương mặt cũ đã gắn bó với Trại từ nhiều năm qua như: Trần Thị Huyền, Huỳnh Phạm Nguyệt Dương, Sử Hạnh Hà Nhi, Lê Ngọc Duy... Điều đó có thể khẳng định hoạt động của Trại sáng tác có sức hấp dẫn, thu hút các em đến với văn chương. So với các năm trước, số lượng tác giả, tác phẩm đều tăng rõ rệt. Trong đó, có những tác giả tham gia từ 4 đến 7 tác phẩm như các em: Nguyễn Lê Huyền (7 bài thơ, 1 bài văn), Nguyễn Thị Như Thắm (6 bài văn, 3 bài thơ), Bùi Phan Như Uyên (5 bài thơ), Trần Thảo My (4 bài văn, 2 bài thơ), Trần Mỹ Ý (4 bài văn)...

Về thể loại thơ, nhìn chung  đa số các em dự Trại viết đều tham gia cả hai thể loại thơ văn nhưng có lẽ các em chú trọng tập trung đầu tư về văn nhiều hơn, nên mảng thơ tuy có số lượng, nhưng chất lượng không cao. Có một số bài thơ mang chủ đề gần gũi với tuổi học trò như: Mùa xa trường, Trưa hè, Mùa hạ, Thời gian... Cũng có một số bài thơ đi vào đề tài quê hương, người lính, biển đảo... Song cách diễn đạt của các em lần này thiếu hồn nhiên, ít truyền cảm.  Ở thể loại văn xuôi, đầu tiên có thể nhắc đến truyện ngắn Đường về của Lê Ngọc Duy (lớp 10/22 trường THPT Phan Châu Trinh). Đây là câu chuyện kể về một chàng họa sĩ trẻ không ngừng trăn trở, dày vò tìm tòi vươn đến con đường sáng tạo nghệ thuật. Anh ta đã rời xa gia đình nhiều năm, để làm một việc duy nhất là mỗi ngày bỏ ra hàng giờ liền để tìm cảm xúc tạo nên những bức tranh từ vẻ đẹp của những cảnh quan trong thành phố. Thế nhưng, tranh của anh ta luôn bị từ chối ở các diễn đàn cũng như ở các tổ chức quản lý nghệ thuật... vì bị cho là thiếu "một cái gì đó". Một ngày kia, do hoàn cảnh bắt buộc từ cuộc sống gia đình, anh phải quay lại ngôi nhà cũ chăm sóc người cha già bệnh tật, mỗi ngày không ngừng sống trong hồi tưởng với người mẹ của anh đã mất từ rất sớm. Và thật bất ngờ, bức tranh đẹp nhất, thành công nhất, được đông đảo công chúng trầm trồ khen ngợi của chàng họa sĩ là bức tranh vẽ về người cha, trong khoảnh khắc ông ngồi lại giữa khu vườn ký ức... Thì ra cái đẹp không đâu xa. Nó vẫn ở trong cuộc sống đời thường gần gũi bên ta.

Truyện ngắn Đường vê của Lê Ngọc Duy không có nhiều tình tiết phức tạp nhưng được đánh giá cao bởi lối diễn đạt nội tâm sâu sắc. Nhân vật người cha được khắc họa mang vẻ đẹp lung linh đan xen trong bức tranh pha trộn sắc màu giữa tình yêu con người và tình yêu nghệ thuật. Đáng chú ý, Lê Ngọc Duy là một tác giả đã tham gia Trại sáng tác VHTN liên tiếp nhiều năm. Tuy nhiên, lần này em đã thể hiện sự đột phá vượt trội của chính bản thân cũng như của tập thể Trại sáng tác nói chung.

Jun và cuộc phiêu lưu thần ky, truyện ngắn của Nguyễn Thế Anh (lớp 11/6 trường  THPT Thái Phiên) diễn tả sự vận hành biến đổi của thiên nhiên, cụ thể là những sự việc liên quan đến cơn chuyển động của núi lửa. Có lúc như giận dữ, phẫn nộ, điên cuồng... để khởi đầu cho một sự sống mới. Truyện viết khá công phu, với nhiều tình tiết, hình ảnh đẹp như phim hoạt hình. Mỗi cái tên của một nhân vật  trong cuộc phiêu lưu đều ẩn chứa một ý nghĩa,  vai trò, sứ mệnh trong đời sống vạn vật, như: Dung - Nham- Ô-Nhiễm... Chính vì vậy truyện điễn đạt được ý tưởng tác giả muốn nói và  dễ hấp dẫn người đọc.

Nguyễn Thị Như Thắm (lớp 8/5 Trường THCS Hồng Ánh) là một trong những tác giả lần đầu tham gia Trại sáng tác, nhưng thể hiện có nhiều nỗ lực. Trong đó, chùm truyện ngắn của em đã tạo được những ấn tượng tốt với  Ban tổ chức Trại. Điển hình như truyện Từ bỏ giấc mơ. Từ chuyến tham quan thực tế làng chiếu Cẩm Nê, tác giả đã phản ánh thành một câu chuyện sinh động, khi nhân vật đứng trước lựa chọn khó khăn: chuyển sang nghề mới (vì những tấm chiếu truyền thống nay đang bị lấn át bởi các tấm nệm công nghệ), hay vẫn giữ nguyên nghề dệt chiếu như ước mơ của bao thế hệ đi trước...

Biển của Sử Hạnh Hà Nhi (lớp 11/6 trường THPT Phan Châu Trinh) là một câu chuyện được xây dựng đơn giản giữa ba nhân vật: mẹ con, người đàn ông câu cá. Bên cạnh đó còn ẩn hiện hình ảnh một người cha đã khuất, hay đúng hơn là một tình yêu biển cả dào dạt bao la... Truyện ngắn của Sử Hạnh Hà Nhi có lối diễn đạt nhẹ nhàng, nên thơ. Tuy nhiên, so với các lần tham gia Trại những năm trước, Hà Nhi chưa có sự vượt trội. Cuốn lưu bút của Trần Thị Huyền (lớp 10C1 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), và Giới hạn tình bạn của Huỳnh Phạm Nguyệt Dương (lớp 10C trường THPT Lê Quý Đôn) là hai truyện ngắn gặp gỡ nhau ở đề tài học đường và tình bạn cũng là những tác phẩm được đánh giá cao bởi nội dung dễ thương, trong sáng. Một số truyện ngắn khác như: chùm truyện của Trần Mỹ Ý (lớp 8/4 trường THCS Nguyễn Khuyến), chùm truyện của Lê Ngô Tường Vy (lớp 7/2 trường THCS Nguyễn Văn Linh)... tuy chưa thực sự hoàn chỉnh, nhưng phần lớn thể hiện  các em có rất nhiều nỗ lực và  dần có ý thức xây dựng những cảm nghĩ của mình đến gần với loại hình sáng tạo nghệ thuật...

Mùa hè rồi cũng dần qua. Tuy nhiên, với những gì đã được trải nghiệm trong thời gian tham gia Trại sáng tác vừa qua đang hứa hẹn mở ra cho các em những xúc cảm mới về tình yêu văn học, để từ đó, các em biết yêu thương nhiều hơn cái chân thiện mỹ, và có những hoài bão cao quý hướng đến tương lai...

Trần Trung Sáng