"Trái tim không ngủ yên"

Thứ ba, 22/03/2016 11:10

(Cadn.com.vn) - Tác giả ca khúc nổi tiếng "Lối cũ ta về" - nhạc sĩ Thanh Tùng từ trần lúc 5 giờ 45 ngày 15-3, tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Sáng nay (22-3), lễ viếng và truy điệu ông được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (Phú Thọ).

Nhạc sĩ Thanh Tùng.

Gia tài âm nhạc của Thanh Tùng không phải quá nhiều, nhưng có thể nói dường như bài nào ra đời cũng được công chúng đón nhận và ở lại rất lâu (sẽ có những ca khúc có thể là vĩnh viễn) trong lòng người  yêu âm nhạc. Những Hoàng hôn màu lá, Hát với chú ve con, Chuyện  tình của biển, Ngôi sao cô đơn, Lời tỏ tình của mùa xuân, Câu chuyện nhỏ của tôi, Mưa ngâu, Trái tim không ngủ yên... một thời được các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên thuộc nằm lòng, ưa thích đến cuồng nhiệt. Lời những bài hát ấy thấm đẫm lòng yêu đời, yêu người và đặc biệt là thôi thúc nhiệt huyết tuổi thanh xuân háo hức vươn đến sự cống hiến...

Nhưng không phải ca khúc nào của Thanh Tùng cũng chỉ có niềm vui, nhất là sau khi người vợ yêu quý của ông qua đời. Ca khúc "Một mình" được ca sĩ Hồng Nhung thể hiện tôi nghe khá lâu rồi, và càng ngày càng thấm thía. Từ hôm nhạc sĩ trút hơi thở cuối cùng đến bây giờ, tôi cứ trong tâm trạng bồn chồn nỗi thương tiếc về ông, như là hoài niệm về quãng đời đã qua của mình khi mà từ lâu rồi, ca khúc của ông len vào giấc ngủ, len vào nỗi nhớ, nói hộ bao điều thao thức của lòng tôi.

Thật tình cờ hôm rồi, đã gần 23 giờ sau ca trực đêm trở về, tôi lại được nghe một nam ca sĩ ngồi hát ca khúc "Một mình" của ông. "Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/ Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên/ Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình".  Ca từ giản dị, mộc mạc, rất đời thường nhưng thấm vào gan ruột: "Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa, bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa. Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai, gió sương mòn cả hai vai...". Ừ thì đó là chuyện của gia đình ông, chuyện tình cảm của vợ chồng ông, nhưng chính cái riêng ấy lại bộc lộ tình cảm thật thà, chân thành, sâu đậm, chính điều đó đã làm cho mỗi người như thấy có mình ở trong đó, như thấy nhạc sĩ đã nói hộ lòng mình!

Sau 18 năm sánh bước bên nhau, vợ nhạc sĩ Thanh Tùng mất vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, lúc đó ông mới ngoài 40 tuổi, 3 con ông còn rất nhỏ. Vợ ông được nhắc đến là một phụ nữ đẹp, đảm đang. Bạn bè ông kể lại rằng, phút lâm chung có cả Trịnh Công Sơn bên giường bệnh, bà hỏi Thanh Tùng: "Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?". Sau này Thanh Tùng gọi đó là "tuyên án chung thân", bởi giữa hai cách trả lời là có hoặc không, thì chỉ "không" là có thể nói lúc này". Nói thì nói vậy thôi, nhưng tôi không tin rằng vì "lời nguyền" ngày ấy mà Thanh Tùng trọn đời ở vậy nuôi con, không thêm bước nữa. Bởi nếu không phải vì một tình yêu quá đằm sâu với người vợ, không vì tình thương con vô bờ, thì làm sao ông có thể viết được những ca từ gan ruột cháy lòng thế này: "Vắng em còn lại tôi với tôi/ Lá khô mùa này lại rơi/ Thương em mênh mông chân trời lạ/ Bơ vơ chốn xa xôi/ Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say/Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/Cô đơn cùng với tôi về". Đời ông hào hoa, nổi tiếng, với bao bóng hồng vây quanh, lại trong hoàn cảnh đơn chiếc như vậy, nếu như ông "bước qua lời nguyền" đi thêm bước nữa thì thiên hạ rồi cũng sẽ cảm thông nhiều hơn là trách móc, nhưng ông vẫn "một mình" nuôi con, đời ông chỉ trọn vẹn và duy nhất một người vợ. Với ông, khi người bạn đời ra đi, sự cô đơn ấy không có bất cứ ai lấp đầy. Ông mãn nguyện với sự cô đơn ấy. Trong một lần chia sẻ trên báo chí, chính nhạc sĩ Thanh Tùng đã rút ruột: "Đúng là không mất mát thì không hiểu hết, không thể cảm nhận hết tình yêu của vợ cũng như nỗi cô đơn trên cuộc đời này. Người ra đi đã bù đắp cho tôi một hạnh phúc nhỏ nhoi".

Trong cuộc đời sáng tác của mình, chính nhạc sĩ tài hoa này cũng thừa nhận, tình yêu giúp ông nuôi được cảm xúc âm nhạc bền bỉ. Những ca khúc của Thanh Tùng thường phảng phất hình ảnh một bóng hồng vừa cụ thể, vừa xa xôi. Với Thanh Tùng, có thể hiểu như lời một danh ngôn: "Tình yêu thì chỉ có một, nhưng cái tương tự tình yêu thì có hàng ngàn". Và tình yêu duy nhất ấy ông dành cho người vợ yêu quý. Sau "Một mình", Thanh Tùng có thêm một ca khúc "Hoa cúc vàng" cho người vợ và đây cũng là sáng tác cuối cùng của ông. Ca từ là lời thì thầm, da diết, tỉ tê: "Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, khi anh tuổi đôi mươi em mới lên mười tám... Muốn nói với em rằng, trái tim này mong manh, vẫn mong em về, dù bao tháng ngày, dù hoa đã phai tàn, dù mùa thu đi mãi, mãi mãi không nơi nào. Với anh là xa xôi dẫu nơi chân trời, dù cho bốn biển, rồi anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em. Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà, sao chưa về để thăm anh. Anh nhớ em nhiều lắm ấy...". Bây giờ đây, "dù xa xôi chân trời, bốn biển, anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em", nên lẫn trong niềm tiếc thương ngậm ngùi của người yêu âm nhạc, phải chăng chúng ta cũng như được an ủi rằng sau tháng ngày cô đơn cùng cực, nhạc sĩ Thanh Tùng đã gặp lại người vợ hiền mà ông vẫn hoài mong có ngày đoàn tụ.

Chỉ vài giờ trước khi ông về cõi thiên thu, tôi ngồi đây một mình trong căn phòng vắng để lặng nghe lại những ca khúc của ông. Tôi muốn nhắn gửi theo ông điều này: xin cảm ơn ông đã để lại cho người yêu âm nhạc những ca khúc dào dạt tình yêu cuộc sống và để lại cho đời một nhân cách đẹp, một tâm hồn sáng trong, đầy ắp ân tình của người nghệ sĩ!

Trái tim nhạc sĩ Thanh Tùng đã ngừng đập, nhưng tin rằng cho dù cõi âm dương đã nghìn trùng cách trở, ông vẫn thong dong đâu đó với một "trái - tim -không - ngủ - yên"!

Nguyễn Đức Nam