Trái tim nhân ái sau lớp blouse trắng

Thứ bảy, 07/02/2015 10:19

(Cadn.com.vn) - Bệnh nhân đến với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có thể do nhiều nguyên nhân phát sinh bệnh tật. Nhưng, có những bệnh nhân đặc biệt khiến đội ngũ y bác sỹ phải lao tâm khổ tứ, đôi khi cười ra nước mắt...

 

Kỳ 1: Các "bác sỹ, vệ sỹ, võ sỹ"

Bác sỹ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết: "Hiện bệnh viện có 180 giường bệnh nội trú, khi nào cũng đầy bệnh nhân, khám ngoại trú mỗi ngày trên 250 trường hợp, đội ngũ y bác sỹ, cán bộ nhân viên có 193 người, nói chung tương đối tốt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tỷ lệ tâm thần theo khảo sát của các cơ quan chức năng liên quan khoảng 15% đến 20% trên toàn dân số, các rối loạn tâm thần được chia làm 2 nhóm gồm tâm thần phân liệt 1%, động kinh 1% (con số quản lý). Chỉ 2 % trong tổng số từ 15% đến 20% quản lý được là một con số đáng báo động với xã hội". Tại BV, Khoa Giám định pháp y tâm thần và cai nghiện chất, (GĐPYTT&CNC) là khoa đặc biệt nhất vì những người vào đây nếu không là tội phạm thì cũng nghiện ma túy, rượu...

Trong lúc đang trò chuyện, các y, bác sỹ cho chúng tôi biết một số CBCS ở CA tỉnh Gia Lai đang làm thủ tục cho một người vừa là bệnh nhân vừa là phạm nhân. Bác sỹ Trương Văn Trình, Trưởng Khoa GĐPYTT&CNC tâm sự về nghề nghiệp của mình: "Bác sỹ ở khoa này nói riêng và toàn bệnh viện nói chung vừa là bác sỹ, vừa là vệ sỹ, vừa là võ sỹ. Nếu không tin chỉ cần anh ở lại một ngày thôi sẽ thấy rõ điều tôi nói là thật hay đùa".

Ban đầu ai cũng ngỡ rằng bác sỹ nói quá, nhưng sau một hồi chứng kiến mới thấy những điều anh Trình nói không phải là đùa. Bệnh nhân khi vào khoa này thường nghiện ma túy, heroin, rượu... nên ban đầu lấy khai báo về bệnh án thì bệnh nhân thường giấu diếm, khai hoàn toàn sai sự thật.

Ví dụ về lượng dùng, số lần dùng trong ngày, biểu hiện khi dùng các chất gây nghiện...Nếu bệnh nhân tự nguyện thì dễ đưa ra cách điều trị, đối với bệnh nhân do gia đình bắt ép đưa vào thì họ bất hợp tác và luôn có ý định trốn khỏi nơi này. Vì vậy nếu lơ là một tí là bệnh nhân "lọt" ra khỏi bệnh viện, phải huy động anh em tìm kiếm, cảnh rượt đuổi như phim hành động đôi khi diễn ra như thật vậy.

Anh Trình kể: "Có nhiều bệnh nhân khi vào đây thì la hét, sẵn sàng tấn công bác sỹ. Vì vậy anh em cùng những bệnh nhân tỉnh táo hơn phải giúp cố định bệnh nhân, không để bệnh nhân gây ra tổn hại nào cho cơ thể của chính bản thân họ và những người xung quanh". Mỗi y bác sỹ ở đây đều là những thầy thuốc "ba trong một", nghĩa là vừa điều trị bệnh nhân, vừa bảo vệ đồng nghiệp và mọi người xung quanh, vừa tránh né những cú đánh "có nghề" như trời giáng của một số bệnh nhân khiến nhiều y bác sỹ xâm xoàng mặt mày.

Thế nhưng, vì trách nhiệm với bệnh nhân và y đức cao cả, đội ngũ y bác sỹ ở đây đều xem bệnh nhân như người nhà của mình. Trong lúc tiếp chuyện với bác sỹ Ngọc, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh của một cậu thanh niên trắng trẻo chuẩn bị được xuất viện, nói chuyện, xưng hô với bác sỹ Ngọc một cách thân thiết: "Bác à, mai cháu xuất viện rồi. Bác ở lại giữ gìn sức khỏe. Về nhà cháu gắng uống thuốc đầy đủ để tỉnh táo, làm việc giúp đỡ gia đình nữa. Mà cũng sắp tết nhứt rồi, ở quê chắc cũng có nhiều việc cần đến cháu". Chứng kiến bác sỹ Ngọc ân cần dặn dò cậu uống thuốc đều đặn và tiễn cậu ra đến cổng bệnh viện, chúng tôi và những người xung quanh đều cảm động.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình.

Với công việc chăm sóc sức khỏe cho những người bệnh ở đây cần nhất là bác sỹ nam sức khỏe tốt và khả năng chịu áp lực công việc cao. Nhìn bề ngoài chân tay vạm  vỡ nhưng nhiều khi các y bác sĩ phải trở thành người hiền dịu, ăn nói nhẹ nhàng như cô nuôi dạy trẻ.

Đang giờ cơm trưa, bệnh nhân Hồ Đắc Như Vũ (47 tuổi) đang điều trị tại Khoa Nam, tay chân không còn được nhanh nhẹn nên điều dưỡng Nguyễn Văn Nhân phải bón từng thìa cơm, muỗng canh. Lúc nào bệnh nhân ăn được một miếng thì anh Vũ lại vỗ tay hoan hô như những đứa trẻ nũng nịu với mẹ. Anh Vũ nói: "Bệnh nhân ngoài thuốc men phải có một chế độ dinh dưỡng thích hợp để đảm bảo sức khỏe. Vì vậy đối với những bệnh nhân không tự ăn được hay không chịu ăn thì phải dùng mọi biện pháp, nhưng đa số bệnh nhân thích dỗ dành, nhỏ nhẹ".

Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Bình (36 tuổi), quê ở Hà Tĩnh, đã có thâm niên công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hơn 10 năm, tâm sự: "Công việc làm riết rồi cũng quen, có những hôm về nhà mà mặt mày đầy vết bầm tím, gia đình hỏi phải nói dối là bị ngã...". Lại có nhiều bệnh nhân chỉ chịu uống thuốc và ăn uống khi có các điều dưỡng nữ bên cạnh. Khi đó các chị tự nhủ phải xem họ như người nhà của mình, thân thiết và tình cảm thì mới không có khoảng cách với bệnh nhân.

(còn nữa)
Bùi Đức Tú