Trạm ép rác thải đầu tiên của Đà Nẵng hiện đại thế nào?

Thứ tư, 18/05/2022 16:30
Trạm trung chuyển rác thải hơn 171 tỷ đồng của Đà Nẵng trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hải Châu đã hoàn thành và đang được vận hành thử nghiệm. Đây là trạm trung chuyển rác thải đầu tiên của Đà Nẵng với công nghệ ép rác hiện đại cùng với đó là máy xay rác cồng kềnh lần đầu có ở Việt Nam.
Hệ thống xe tải trọng lớn đưa rác sau khi ép về bãi rác Khánh Sơn xử lý.
Kỹ sư lắp đặt thiết bị trạm ép rác thải.

Đà Nẵng đang triển khai nhiều dự án đầu tư về môi trường, trong đó các trạm trung chuyển rác được xem như cuộc "cách mạng" trong thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý. Trung bình mỗi ngày Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải, dự báo với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, tương lai gần sẽ tăng lên 1.600-1.800 tấn/ngày. Số rác thải này được thu gom, vận chuyển thẳng lên bãi rác Khánh Sơn xử lý thông qua các xe rác từ 5-7 tấn. Số lượng xe rác di chuyển trên đường phố nhiều, phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác, ảnh hưởng xấu tới môi trường, cảnh quan đô thị. Các trạm trung chuyển rác có vai trò thu gom rác trong khu vực trung tâm đô thị, sử dụng công nghệ ép rác hiện đại, chuyển rác vào các xe trọng tải lớn không phát sinh mùi hôi, nước rỉ để đưa lên bãi rác Khánh Sơn xử lý. Từ đây, lưu lượng xe rác lên bãi Khánh Sơn sẽ giảm, nhiều xe không chạy lòng vòng trên phố. Từ thực tế đó, Đà Nẵng đã đầu tư ngân sách hơn 171 tỷ đồng xây dựng trạm trung chuyển rác trên đường Lê Thanh Nghị, sau đó tiếp tục triển khai trạm trung chuyển rác thứ 2 tại Sơn Trà, trạm thứ 3 tại Ngũ Hành Sơn.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Giám đốc dự án Trạm trung chuyển rác thải tại đường Lê Thanh Nghị cho biết, công suất thiết kế của trạm là 485 tấn rác thải/ngày, được xây dựng trên khu đất gần 3,5 ngàn m2 (diện tích xây dựng hơn 2,1 ngàn m2). Tại trạm có 6 xe tải, 14 thùng rời (sức chứa 10,35 tấn/thùng). Với thời gian di chuyển từ trạm lên bãi Khánh Sơn rồi trở về 1 giờ, mỗi ngày 1 xe sẽ có 8 chuyến. Trong thời gian các xe di chuyển, rác tại trạm vẫn có thể ép cho vào thùng để chờ sẵn. "Đây là các thùng rác kín, rác đã được ép, vì thế trên đường lưu thông lên bãi không phát sinh mùi hôi, nước rỉ ra đường gây ô nhiễm"- ông Xuân chia sẻ. Theo quy trình vận hành, xe thu gom rác thải từ các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê về trạm sẽ đươc cân tải trọng để xác định khối lượng rác, sau đó được đổ trực tiếp vào máng nạp rác của máy ép. Mỗi máng nạp có thể tích 15m3, đủ nhận hết rác từ xe có tải trọng 7 tấn trở lại. Máy sẽ thực hiện ép rác cho đến khi đầy thùng chứa (10,35 tấn rác) trong thời gian khoảng 30 phút. Với 4 máy ép rác, trung bình 8 tiếng mỗi ngày toàn trạm sẽ ép được gần 500 tấn.

Trong 30 phút 1 máy ép được 7 tấn rác.

Ông Xuân cho biết, máy ép rác được thiết kế hiện đại, điều khiển tự động để nâng hạ máng, ép rác và đóng thùng. Đặc biệt, với các loại rác thải cồng kềnh như giường, tủ, ghế, cây… không thể cho trực tiếp vào máy ép mà phải đưa qua máy xay rác ra kích thước nhỏ, đủ yêu cầu. "Rác thải cồng kềnh sẽ cho vào máy xay, nghiền, cắt nhỏ sau đó sẽ qua băng tải cao su đến xe vận chuyển đưa sang máy ép"- ông Xuân nói. Cũng theo ông Xuân, đây là máy xay rác cồng kềnh đầu tiên ở Việt Nam, ngay cả các trạm trung chuyển rác ở TP.HCM cũng chưa có. Điều đáng nói, trong quá trình xay, ép rác, các yếu tố tác động đến môi trường như mùi hôi, nước rỉ rác đều có phương án xử lý an toàn, không để biến thành điểm ô nhiễm. Cụ thể, nước rỉ rác sẽ được thu vào mương chảy về trạm xử lý sơ bộ đảm bảo yêu cầu trước khi chuyển về Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân công suất 150 ngàn m3/ngày đêm. Ông Xuân nói: Toàn bộ cụm công trình xử lý nước thải được xây dựng kín để đảm bảo mùi hôi và bọt sinh ra trong quá trình sục khí không phát ra môi trường. Trạm có thiết kế hệ thống hút mùi để thu toàn bộ mùi phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải (từ ngăn tách rác, bể điều hòa, bể lắng cát và hố bơm 1) về hệ thống xử lý mùi. Mùi hôi sẽ được thu gom và đưa vào hệ thống xử lý mùi hôi tập trung của trạm, tránh hiện tượng mùi hôi phát tán ra môi trường gây ô nhiễm không khí.

Hệ thống xe tải trọng lớn đưa rác sau khi ép về bãi rác Khánh Sơn xử lý.

Đây là trạm trung chuyển rác đầu tiên, vẫn đang vận hành thử nghiệm, cần thời gian để đánh giá hiệu quả. Tuy vậy, tại TP.HCM cũng có một số trạm trung chuyển rác nhỏ, đã phát huy hiệu quả. Tại nhiều đô thị của Trung Quốc cũng áp dụng mô hình này. Theo ông Xuân, công nghệ của trạm ép rác học hỏi từ nước ngoài, nhập một số thiết bị cơ bản, còn lại về phần cơ khí thì người Việt mình tự làm. Trong quá trình vận hành, điều tiên quyết của trạm phải đảm bảo yêu cầu môi trường, không để thành điểm ô nhiễm ra bên ngoài, đặc biệt là mùi hôi. "Ngoài hệ thống hút mùi, chúng tôi phải thiết kế hệ thống hút gió, tạo áp suất âm để mùi không bay ra ngoài, đồng thời có hệ thống phun sương chế phẩm khử mùi. Đây là khu vực dân cư, gần công viên, vì thế các yếu tố đảm bảo môi trường, tạo cảnh quan, khoảng cách cách ly đặc biệt quan trọng"- Ông Xuân chia sẻ.

Song song với xây dựng trạm ép rác, Đà Nẵng cũng ưu tiên đầu tư cho quận Hải Châu hệ thống xe thu gom rác mới, đảm bảo phát sinh mùi hôi thấp nhất trong quá trình thu gom rác từ các khu dân cư đưa về trạm. Ông Xuân đánh giá, khi các trạm trung chuyển hoàn thành đưa vào vận hành, lượng xe vận chuyển rác lên bãi Khánh Sơn sẽ giảm 70%, giải quyết căn bản vấn đề môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải rắn.

HẢI QUỲNH