Trầm tích xứ Thanh

Thứ năm, 19/09/2013 10:24

* Bài 1: Đất Đế Vương, đất của địa linh nguồn cội

(Cadn.com.vn) - Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa đời người rồi, không hiểu sao mỗi lần đi tàu hỏa qua cầu Hàm Rồng, tôi lại nao nao nhớ thơ Quang Dũng: Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Câu thơ như một tiếng thét cuộn xoáy. Trung đoàn 52 Tây Tiến của Quang Dũng, đã từng ở  Mường Lát, thượng nguồn Sông Mã. Mường Lát hoa về trong đêm hơi. Ở đây có một tượng đài tưởng niệm đoàn quân “Áo bào thay chiếu” ấy, như là điểm khởi đầu của con đường Heo hút cồn mây, súng ngửi trời. Nghe rợn ngợp quá... Cứ thế, tôi miên man với thơ và người Xứ Thanh.

Thanh Hóa là đất của nền Văn hóa núi Đọ, nhưng bao đời nay nơi này được xếp vào diện nghèo nhất nước. Nơi Mường Lát ấy bây giờ hàng ngàn bà con đồng bào dân tộc vẫn đứt bữa, Nhà nước phải cứu trợ. Người ta gọi xứ Thanh “ăn rau má phá đường tàu”. Qua Ga Thanh, người ta dặn nhau đề phòng “bánh chưng đất”... Có lẽ do nghèo quá chăng? Nhưng tôi lại nghĩ nhiều hơn đến chất trào lộng, chất uy-mua của người Thanh, rằng người xứ Thanh lớn mật, dám làm những việc không ai dám làm.

Thành Nhà Hồ-niềm tự hào dân Việt.

Có lần sau Đại hội Hội văn Việt Nam lần thứ IV(1989), nhà thơ Nguyễn Duy theo xe đoàn Huế từ Hà Nội vào Đò Lèn thăm quê. Trên xe anh đọc cho chúng tôi nghe nhiều thơ uy-mua về xứ Thanh : Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào / Chạy sang nước Lào/ Nước Lào không nhận / Tức mình nổi giận/ lập quốc gia riêng / Thủ đô thiêng liêng/ là đất Nông Cống / Quốc ca chính thống: “dô tá dô tà”/ Nông nghiệp nước nhà: toàn cây rau má... Đọc xong, anh cười ứa nước mắt. Cái “khẩu khí” xứ Thanh ấy tôi còn gặp trong thơ Văn Đắc, khi anh tự hào xưng danh: Tôi nói, tôi người Thanh Hóa. Để rồi thốt lên câu thơ nổi da gà: “Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”.

Tôi đã nhiều lần về Thanh. Đi thăm Gia Miêu ngoại trang nơi phát tích Vương triều Nguyễn; thăm Thành Nhà Hồ vừa mới được UNESCO công nhận là Di sản thế giới để hiểu thêm Hồ Quý Ly: bên cổng thành đá xám / tôi bỗng thấy ông trong đá bước ra / giục in tiền giấy, giục viết chữ Nôm / hét luyện tập thủy quân giữ sông giữ biển / quắc mắt trước bọn giặc Minh đê tiện... (NM); thăm cố đô Lam Kinh của Lê Thái Tổ, về Sầm Sơn đi xích lô ngồi sau lưng các chị phụ nữ đạp xe chân trần, nước da đen bóng, rồi nâng chén cùng Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng, Huy Trụ, Văn Đắc, Nguyễn Văn Đệ, Lê Đăng Sơn, Lê Thám ...

Những lần “về Thanh”, tôi càng ngưỡng vọng mảnh đất Ái Châu xưa là nơi phát tích của hầu hết các dòng họ vua, chúa Việt. Tất cả đều do hồn thiêng sông núi trầm tích. Năm 242, Triệu Thị Trinh đánh thắng quân Ngô. Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quan đô hộ Lý Khắc Chính, Lý Tiến của nhà Đường, tự xưng làm Tiết Độ sứ. Hai người anh hùng xứ Thanh ấy không xưng vương, nhưng làm cho giặc Phương Bắc đều gọi là vua. Hoành qua đương hổ dị. Đối diện bà Vương nan” (Múa giáo chống hổ dễ. Đối mặt vua bà khó). Thời Tiền Lê trải ba đời, bắt đầu từ Lê Đại Hành (980 - 1005), vốn quê xã Xuân Lập, H. Thọ Xuân. Nhà Hồ truyền qua hai đời vua. Người sáng nghiệp nhà Hậu Lê là Lê Thái Tổ (Lê Lợi) với chiến thắng quân Minh Đại Hán lẫy lừng.

Chúa Trịnh kéo dài gần 300 năm do Trịnh Kiểm lập nên. Ông là người làng Sóc Sơn, H. Vĩnh Lộc. Vương triều Nguyên kéo dài 387 năm, bắt đầu từ năm 1558 với 9 chúa 13 vua (1558- 1945), có công lớn trong  việc mở cõi về phía Nam đất nước cho tới tận Đất Mũi, Cà Mau, tạo nên hình dáng nước Việt  hôm nay, quê Hà Trung, Thanh Hóa. Không thể phủ nhận nét son lịch sử chói lọi ấy. Điểm qua lịch sử để thấy rằng xứ Thanh là đất Đế Vương, đất Địa Linh Nguồn Cội, đất của Sinh Thành ...

Hai bố con dân tộc Mông ở xã Mường Lý, H. Mường Lát (Thanh Hóa) trên đường lên nương về.

Nhưng phải đến chuyến về Thanh đầu tháng 5- 2013 vừa qua, theo chương trình hợp tác phát triển văn học, nghệ thuật của 5 Kinh đô Việt xưa và nay (Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa và Huế), tôi mới thực sự kinh ngạc và bái lạy xứ Thanh trầm tích. Tôi cảm nhận được chiều sâu lịch sử, chiều sâu tâm thức của mảnh đất này trong mỗi bước đi, càng thấm hiểu   câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/  Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

(còn nữa)
Bút ký của Ngô Minh