Trạm trộn nhựa đường gây ô nhiễm môi trường
(Cadn.com.vn) - Gần đây, hàng chục hộ gia đình ở thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc, H. Tuy Phước (Bình Định) vô cùng khổ sở và bức xúc trước việc trạm trộn nhựa đường của Công ty TNHH Minh Đạt (Cty Minh Đạt, đóng trên địa bàn thôn Phú Mỹ 2) gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
CẢ NGÀY “NO BỤI, ĐÓI OXY”!
Theo người dân địa phương, từ khi trạm trộn nhựa đường của Cty Minh Đạt hoạt động đến nay thì cuộc sống của 50 hộ dân sống ở các xóm Miễu Tây, Miễu Bắc, Miễu Đông (thôn Phú Mỹ 2) rơi vào cảnh “no bụi, đói oxy”. Khoảng 5 tháng nay, trạm trộn nhựa đường của Cty Minh Đạt hoạt động cả ngày lẫn đêm, gây ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn rất trầm trọng.
Ông Trần Văn Ngãi, một hộ dân ở địa phương, bức xúc: “Mỗi khi trạm trộn này hoạt động, một lượng khói lớn có mùi khét đã lan tỏa ra môi trường. Có thời điểm, đang giờ ăn cơm, nhiều người hít phải mùi khét, nôn thốc nôn tháo. Nhiều lúc khói, bụi nhiều quá, chúng tôi kéo lên tận trạm trộn phản đối. Quản lý trạm trộn hứa khắc phục, nhưng chúng tôi vừa rút về tới nhà là họ lại cho hoạt động tiếp”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Luyện, nói: “Khói, bụi nhựa đường rất độc, nhiều khi hít phải, tôi cảm thấy rất tức ngực khó thở. Thanh niên, người trung niên đã như thế; người già, các cháu nhỏ chịu sao thấu. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, sức khỏe người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng...”.
Còn ông Trần Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ thôn Phú Mỹ 2, bày tỏ sự bất bình trước việc trạm trộn nhựa đường thường xuyên xả khói, bụi độc hại, ảnh hưởng sức khỏe của cộng đồng. “Cứ kéo dài tình trạng ô nhiễm như thế này, tôi thấy rất lo lắng. Chỉ trong 1 thôn mà có đến 5 nhà máy xay nghiền đá và 2, 3 trạm trộn nhựa đường hoạt động xả khói, bụi thì ai mà chịu được. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh dữ lắm; thôn kiến nghị, cấp trên cũng cử cán bộ về kiểm tra, lấy mẫu nhưng rồi chuyện vẫn không thay đổi”, ông Hiệp nói.
Trạm trộn nhựa đường khi hoạt động xả khói mịt mù. |
SỚM KHẮC PHỤC TRIỆT ĐỂ
Qua tìm hiểu, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới chính quyền địa phương về tình trạng trên nhưng chưa được xử lý. Trong khi đó, trạm trộn nhựa đường của Cty Minh Đạt vẫn hoạt động, bất chấp sự phản đối gay gắt của người dân.
Khi chúng tôi tiếp cận khu vực trạm trộn nhựa đường để ghi hình, tìm hiểu thông tin. Khi đó, một người đàn ông chừng 45 tuổi, tự xưng là người đại diện quản lý, trông coi trạm trộn nhựa đề nghị chúng tôi “xuất trình” giấy giới thiệu mới đồng ý làm việc. Xem xong giấy giới thiệu do chúng tôi đưa, ông này liền “lật kèo” khi cho biết không có thẩm quyền cung cấp thông tin và hứa liên lạc, báo cáo người có trách nhiệm.
Chúng tôi đề nghị ông ta liên lạc với “người có trách nhiệm” để làm việc thì nhận được câu trả lời: “Cứ từ từ, anh muốn làm gì thì làm đi”. Sau đó, khi chúng tôi tiếp cận trạm trộn nhựa đường để ghi lại hình ảnh thì bị ông này chạy tới, quát tháo: “Mời các anh ra khỏi khu vực nhà máy; đây không phải là nơi du lịch để chụp hình (!?)”.
Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Lê Hữu Hiếu, phụ trách trạm trộn nhựa và ông Hiếu thừa nhận: “Chúng tôi đồng cảm với nỗi khổ và bức xúc của những hộ gia đình có nhà ở gần trạm trộn nhựa đường. Tới đây, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực mà người dân phải chịu trong quá trình trạm trộn hoạt động. Trước mắt, chúng tôi tăng thêm hệ thống bơm nước trong quá trình trộn để hạn chế bụi; đồng thời, những lúc hướng gió thổi vào khu dân cư, chúng tôi sẽ ngừng hoạt động để khói, bụi không bay thẳng vào nhà người dân”.
Hy vọng rằng, lời hứa của ông Hiếu sớm được thực hiện một cách triệt để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường mà người dân phải gánh chịu.
C.Luận