Trần Mạnh Hảo: Ngẩng đầu trời vẫn mênh mông Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo. (*)

Thứ bảy, 21/01/2023 21:04
Những năm gần đây, thơ xuất hiện nhiều trên báo và các trang mạng xã hội, vậy mà những người yêu thơ thực sự vẫn không đoái hoài tìm đọc, thậm chí nỗi “sợ” và lánh xa thơ. Thế mà, Tuyển thơ Trần Mạnh Hảo vừa ra đời, ngay lập tức tạo nên một sự kiện văn chương đình đám từ trước đến nay; tác động đến đời sống văn học, không chỉ với công chúng yêu thơ mà còn thức tỉnh, lan tỏa sâu rộng đến bao người làm thơ đương đại. Nhiều độc giả viết cảm nhận về thơ Trần Mạnh Hảo, khen hết lời; họ khen cả sự táo bạo của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn kiêm giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã mạnh dạn cấp phép cho tuyển thơ này của Trần Mạnh Hảo. Còn sách thì bán chạy, in đâu bán hết đó. Vậy mà các nhà phê bình văn học tên tuổi, các nhà thơ uy tín vẫn chưa mấy người nhận xét một cách bài bản, có học thuật về hiện tượng thơ đặc biệt này. Có phải do họ ngần ngại, vì còn quá sớm hay cho rằng, đây cũng chỉ là một con sóng thi ca bất thường đột biến, nhất thời?
Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Là một trong những độc giả yêu thích thơ Trần Mạnh Hảo từ những năm 80 của thế kỷ trước; cho đến hôm nay với tôi, ông vẫn là một Trần Mạnh Hảo với thi pháp riêng không lẫn với ai. Ông không dễ dãi, hời hợt, cũng không làm dáng “hậu hiện đại” mà tự cách tân ngay trên chính thơ mình; một mực tôn sùng và theo đuổi đến tận cùng sự sáng tạo đích thực của thơ ca với cái tôi đầy trách nhiệm công dân.

Thơ của Trần Mạnh Hảo giàu tính triết luận vì nó hàm chứa những kiến thức sâu rộng, những dằn vặt thôi thúc, để làm nên vẻ đẹp uyên bác của thi ca. Thơ ông luôn đau đáu nỗi buồn thế sự ẩn kín từ trong các lớp ngôn từ đa tầng, đa nghĩa:

Nửa đêm chợt thức mơ đâu mất?

Tỉnh ra chỉ thấy ướt mi thôi

Cả đời khi thức không hề khóc

Nằm ngủ say rồi lệ mới rơi! (Khóc)

Trần Mạnh Hảo không chỉ viết bằng cảm xúc tự nhiên mà ngôn ngữ trong thơ ông là chiều sâu, là nỗi lòng sâu nặng. Thơ ông rành mạch là Người, là bản lĩnh, tâm can của một người yêu nước mình. Trong bài “Tôi mang Hồ Gươm đi”, về mặt thi pháp câu thơ có thể chưa mới, nhưng lại chất chứa thi ảnh, đầy ắp tâm trạng, đa tầng:

Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa

Mà run cho mọi bóng cây nhòa

Mà im im hết nghìn tăm cá

Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa?

Trần Mạnh Hảo viết theo dòng cảm xúc chân thực, không chịu gò ép vào một thể thơ, một xu hướng thơ thời thượng nào, đặc biệt là không bao giờ giả trá. “Thắp hương ngồi lạy sông Hồng” là bài lục bát hay và buồn đến cháy lòng:

Thắp hương ngồi lạy sông Hồng

Mẹ ta nằm giữa cánh đồng lạnh run

Tết trong này vắng mưa phùn

Nén hương dâng mẹ hồn ngun ngút tàn

Ngày Tết, nhà thơ quá nhớ mẹ nên cảm động: “Sông Hồng ôm mẹ bằng đê/ Ôm con bằng nỗi nhớ quê giao thừa” hay “Thắp hương ngồi lạy sông Hồng/ Mẹ ta vừa có, vừa không là gì”. Thơ ông bật ra dung dị, xuất thần, cách cấu tứ ở mỗi bài luôn tạo ra nhiều bất ngờ, đặc biệt nhiều câu thơ lấp lánh, thi ảnh độc đáo, đa tầng. Triết lý nhân sinh về số phận con người cứ bồng bềnh sâu thẳm mang bóng dáng thân phận lịch sử của dân tộc mình. Nhà thơ dám viết cái mà dân tộc đang cần nên dễ chạm đến trái tim bạn đọc. Mỗi vần thơ của ông đều là máu thịt được viết nên từ tình yêu Tổ quốc cháy bỏng: “Ôi đất nước/ Anh đã yêu đến băng hoại cả đời/ Tổ quốc yêu người nào có dễ gì đâu!”. Câu thơ ấy là lời đề từ không chỉ cho Tuyển thơ này mà cho cả một đời thơ Trần Mạnh Hảo. Ông đã đi qua cuộc chiến tranh, thấu tận đáy lòng nỗi đau của biết bao người mẹ phải gánh chịu tang thương, đó là bi kịch của cả một chiều dài lịch sử đầy đau xót:

Ngủ đi mà hóa cánh đồng

Mẹ đi mót lúa, lúa không hạt nào

Sông Hồng lụt cả ca dao

Con cò bị bão giạt vào lời ru

Và nỗi đau của bao người phụ nữ cô đơn,

chưa tường tận nụ hôn đầu, chưa một lần biết làm dâu, làm vợ. “Làm dâu” của Trần Mạnh Hảo là bài thơ quá hay, quá cảm động về một tình yêu trong lửa đạn chiến tranh:

Chị làm dâu cuộc chiến tranh

Hòa bình khóc kẻ chưa thành lứa đôi

Hứa hôn với lính lâu rồi

Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu

Bài lục bát này làm rơi nước mắt bao người, nhất là hai câu thơ cuối: “Gọi thầm nấm đất bằng anh/ Chị tôi nhận nấm cỏ xanh làm chồng”. Ý thơ là điểm nhấn, là cao trào độc đáo của thơ Trần Mạnh Hảo. Nhiều câu thơ xuất thần như thế cứ tràn ra như chính tâm hồn và tình yêu đất nước của nhà thơ.

Không yêu đất nước mình thì làm gì có những câu thơ xúc động như thế. Làm gì có được hình ảnh những con sông đẹp đến nao lòng với dòng chảy huyền thoại làm nên bản sắc dân tộc. Sông Hồng, sông Mã, sông Chu, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn… là những con sông buồn mà đẹp hào hùng trong thơ Trần Mạnh Hảo. Với Sông Hồng: “Sông Hồng lụt cả ca dao/ Con cò bị bão giạt vào lời ru”. Còn những con sông miền Trung thì mỗi dòng một số phận, nhưng tất cả đều mang vẻ đẹp văn hóa vùng miền chảy không ngừng nghỉ suốt bao năm ngăn cách: “Sông có là nước mắt/ Mà nghe Nhật Lệ sao đành”. Riêng với con sông Thu Bồn quê tôi, Trần Mạnh Hảo đã xuất thần từ trong cảm xúc sâu nặng của mình, mang đến cho người đọc thi ảnh bất ngờ thú vị: “Ai đã lấy nước sông làm mực/ Viết đời mình xuống cát Quảng Nam”…

Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đa hệ, viết nhiều, sống hết lòng với cuộc đời này. Riêng về thơ, ông đã có nhiều thành công khó ai phủ nhận. Trong đó không thể không nhắc đến các trường ca “Mặt trời trong lòng đất” (1981) “Ba cặp núi đôi và một hòn núi lẻ” (1986) và “Đất nước hình tia chớp” (1994). Đó là chưa nói đến tiểu thuyết “Ly thân” và tập phê bình “Thơ phản thơ” mà một thời đã làm sôi động trên văn đàn. Nhưng đến giờ này, có thể nói rằng thơ ca đã khắc họa rõ nét chân dung Trần Mạnh Hảo. Đến tuổi xế chiều, “Ngẩng đầu trời vẫn mênh mông/ Cúi xuống chợt thấy anh không còn gì/ Anh còn con đường chưa đi/ Anh còn vạt cỏ sắp ghì ôm anh”. Còn hay không thì công chúng yêu thơ đã biết tỏ tường. Một giọng điệu, một phẩm chất đầy cá tính trong thơ Trần Mạnh Hảo không dễ gì ai có được. Trước khi “vạt cỏ sắp ghì ôm anh”, bạn đọc cả nước nâng niu ôm choàng lấy thơ ông, không chỉ họ trân trọng một hồn thơ mà đó còn là ngọn lửa hừng hực cháy của một người yêu nước mình.

NGUYỄN NGỌC HẠNH

----------------- (*)

Thơ Trần Mạnh Hảo