Trăn trở từ một con số

Thứ năm, 10/12/2015 09:25

(Cadn.com.vn) - Một con số vừa được Ban chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (VH) ở khu dân cư" công bố ngày 3-12: cả nước hiện có 22 triệu gia đình, qua bình xét của các địa phương thì năm 2015 có tới 19 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình VH", tỷ lệ 85,3%, tăng 2% so với năm 2014. Dự tổng kết với Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có nhiều trăn trở: "Tại sao lại có chuyện mâu thuẫn như vậy? Trong khi có đến 85% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình VH", khu dân cư VH mà những vấn đề vi phạm VH, đạo đức vẫn đầy rẫy, phổ biến. Vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất, buôn bán các loại thực phẩm nguy hại cho sức khỏe đồng loại vẫn diễn ra đến mức bất chấp đạo lý? Nếu tỷ lệ thống kê là đúng, chắc những khu dân cư, những thôn, bản VH như thế đã rất thanh bình, đáng sống, không còn ngập rác, mất vệ sinh, không còn bạo lực, tệ nạn".

Rồi Phó Thủ tướng lại băn khoăn: "Phải chăng, các tiêu chí chúng ta đưa ra chưa chuẩn hay việc thực hiện vẫn còn chạy theo hình thức, vì thành tích?". Đây là vấn đề bao quát trong tất cả mọi lĩnh vực, đời sống xã hội, bởi VH là mối quan hệ tổng hòa rộng lớn. Mới nghe qua, cứ tưởng VH vĩ mô, to tát và trừu tượng nhưng thực chất VH rất gần gũi, cụ thể, từ con người mới có thể làm ra nền VH có giá trị đích thực. Nhìn lại trong thời gian qua, có rất nhiều bông hoa tươi đẹp xuất hiện trong cộng đồng, có biết bao nhiêu câu chuyện, việc làm nhân ái, nghĩa tình cảm động, thể hiện đậm nét đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, song cũng thật đáng buồn, đáng phê phán những hành vi đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, văn hóa cần thiết. Bên cạnh các hành vi nguy hiểm cho xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật ở mức cao thì những hành động vô VH ở  mức thấp hơn, tuy có bị ràng buộc về hành chính đang còn tiềm tàng ở mọi lúc, mọi nơi. Không ít người vì lợi ích của chính bản thân, gia đình mình mà coi thường hàng xóm, láng giềng, những người sống trong cộng đồng xung quanh mình.

Ngoài các nhóm vấn đề phi VH mà Phó Thủ tướng lo ngại ở trên còn có rất nhiều điều cần phải lên án mạnh mẽ như: ra đường không chấp hành Luật GTĐB, đậu đỗ xe bừa bãi, phát ngôn thô lỗ. Sau khi gây lỗi lại cố tình biện bạch, không chịu nhận sai, gây mất trật tự. Đến cái nhỏ nhất ở phạm trù VH như nhà hàng xóm ở sát tường với mình, có người già ốm đau, bệnh tật, cần sự nghỉ ngơi yên tĩnh thì lại mở nhạc  chát chúa bất kể trưa, đêm khuya. Rồi tình trạng đem quần áo, tã lót, gối chăn ra phơi phóng trên các tòa nhà cao tầng trước mặt đường và các con hẻm, kiệt chật chội? Nước thải, rác cứ thoải mái tấp ra ngoài đường phố hoặc quét gom về phía nhà người khác, miễn sao nhà mình sạch là được? VH là vấn đề bao trùm rộng lớn, chưa ai đưa ra một khái niệm đầy đủ, song ai cũng có thể hiểu được những lời nói, việc làm đẹp, biết thượng tôn pháp luật, tôn trọng mọi người, có nhận thức về hành vi đúng, sai... đó là người có VH.

Điều 29, Luật Thi đua-Khen thưởng quy định: "Danh hiệu gia đình VH ở xã, phường, thị trấn được xét tặng cho các gia đình đạt các tiêu chuẩn sau: gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả". Chúng ta hãy nhìn thực tế rồi căn cứ với tiêu chuẩn nêu trên để ngẫm nghĩ tỷ lệ đạt danh hiệu "Gia đình VH" như số liệu đã đưa ra thì làm sao không khỏi hoài  nghi? Chắc chắn một điều rằng đây là thể hiện của căn bệnh trầm kha chạy theo thành tích, bởi chủ tịch xã, phường, thị trấn là người cấp bằng công nhận danh hiệu này và chẳng  ai muốn địa phương của mình phụ trách lại thua người khác.

Thái Mỹ