Trắng tay vì sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản kém chất lượng

Thứ ba, 23/08/2016 09:56

Kỳ 1: Người nuôi trồng thủy sản khốn khổ

(Cadn.com.vn) - Đây là năm đầu tiên, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh TT-Huế bị thiệt hại nặng nề, số hộ thua lỗ khoảng 90%. Ngoài nguyên nhân về chất lượng giống, môi trường nước thì một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến cá, tôm, cua nuôi chết là do thời gian qua, người NTTS sử dụng hàng loạt sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường cấm; trong khi nhiều sản phẩm đắt tiền lại bị “rút ruột” các chất chính.

Khoảng 90% hồ tôm bị dịch bệnh khiến người nuôi trồng khốn đốn. 

Cùng thời điểm này, năm ngoái, tại các điểm NTTS của hàng chục ngàn hộ dân ở vùng đầm phá các huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc... (TT-Huế) luôn nhộn nhịp cảnh kẻ mua người bán các mặt hàng: tôm, cua, cá. Nhưng năm nay, dù đang vào vụ thu hoạch nhưng trên các hồ nuôi, khó khăn lắm mới bắt gặp một thương lái đi mua hàng. Theo nghề nuôi tôm gần 15 năm nay nhưng chưa bao giờ ông Phan Mau (58 tuổi, trú TT Sịa, H.Quảng Điền) lại lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Ông Mau kể, vụ nuôi năm nay, ông thả 35 vạn con tôm sú nuôi xen ghép với cua, cá trên diện tích 2,5ha. Chỉ gần 1 tháng sau khi thả nuôi, tôm có dấu hiệu chết hàng loạt. “Vì nuôi xen ghép nên khi số tôm trong hồ bị chết khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn dẫn đến cua, cá cũng chết theo. Tôm mới thả mấy chục ngày đã chết sạch. Đằng mô cũng thua lỗ rồi, sau khi vớt toàn bộ số tôm, cua, cá bị chết; vợ chồng tui tiếp tục xử lý ao hồ, mua sản phẩm vitamin về để cải tạo hồ; rồi tiếp tục thả lại lứa khác. Dù nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thủy sản nhưng chỉ khoảng hơn 20 ngày, lứa tôm mới cũng chết trắng hồ”- ông Mau nhìn các hồ nuôi mà lòng xót xa. Theo ông Mau, vụ nuôi năm nay, ông lỗ gần 40 triệu đồng, chưa tính tiền công, chi phí chăm sóc của 3 lao động.

Ông Phan Mau buồn bã khi vụ NTTS năm nay thua lỗ nặng. 

Ông Mau chỉ là một trong hàng trăm hộ dân NTTS xen ghép ở TT Sịa có tôm, cua, cá chết hàng loạt. “Năm nay, tui thả nuôi 40 vạn con tôm giống xen ghép với cua, cá trên diện tích 3 ha. Những ngày mới thả số tôm này vẫn phát triển bình thường, tuy nhiên đến tháng 6, thì toàn bộ số tôm chưa đủ tuổi bắt đầu chết hàng loạt” - ông Cao Văn Chậm ở TT Sịa kể. Theo ông Chậm, số tôm nuôi chết rất nhanh, khi mới phát hiện cho đến khi chết hàng loạt chỉ diễn ra trong vài ngày. “Dù nuôi trồng đúng quy trình, theo hướng dẫn nhưng tôm, cua, cá vẫn chết nhiều. Người nuôi trồng ở vùng đầm phá Tam Giang rất hoang mang vì không biết nguyên nhân gì. Vụ nuôi năm nay, tui thiệt khoảng 110 triệu đồng tiền giống và thức ăn chăn nuôi. Vụ mùa thất bát dẫn đến nợ nần chồng chất nhưng sống ở vùng này, không theo nghề nuôi trồng tôm, cá thì người dân không biết làm nghề chi cả”-ông Chậm buồn bã nói.

Thủy sản bị dịch bệnh không chỉ xảy ra ở H. Quảng Điền mà còn tập trung ở các xã như: Phú Xuân, Phú An... (H.Phú Vang); Lộc Bình, Vinh Hưng, Lộc Điền, Vinh Mỹ (H.Phú Lộc). Hàng chục ngàn hộ NTTS đang khốn đốn trước tình trạng này. Chị Trần Thị Xoan ở xã Vinh Hưng (H.Phú Lộc) mếu máo: Nhờ nghề nuôi cá lồng mà vợ chồng tui đã nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Năm nào, khó lắm cũng kiếm được vài ba chục triệu đồng. Nhưng không hiểu vì răng, năm nay, cá thả nuôi non 1 tháng thì đã bị dịch bệnh, chết trắng. Hơn năm chục triệu đồng vay ngân hàng để đầu tư vụ nuôi năm nay, giờ chưa biết xoay xở ra răng”.

Hàng loạt sản phẩm người NTTS TT-Huế sử dụng thời gian qua là hàng cấm.

Tương tự, tại xã Phú Xuân (H.Phú Vang), có hơn 660 ha diện tích NTTS của 550 hộ thì có khoảng 90% diện tích thủy sản bị dịch bệnh và chết. Khoảng hơn 450 hộ bị thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho rằng: Chưa bao giờ, thực trạng tôm, cua, cá nuôi lại chết nhiều như năm nay. Hầu hết, các hộ theo nghề NTTS trên địa bàn xã đều thua lỗ, thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ dân có hàng chục năm bám nghề NTTS cũng đã tạm gác nghề sau khi dịch bệnh liên tiếp xảy ra, nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay. Theo nhiều người NTTS ở H.Phú Xuân, họ đều thả giống đúng thời vụ theo khuyến cáo, quy định của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương nhưng không hiểu vì sao dịch bệnh vẫn hoành hành; tôm, cua, cá vẫn cứ chết. “Người dân vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể dẫn đến thủy sản dịch bệnh, chết hàng loạt như năm nay. Trước đây, nuôi xen ghép, khi cá bị dịch, chết thì còn tôm, hoặc tôm chết thì còn cá, cua cứu vớt; nhưng năm nay các đối tượng đều chết hàng loạt”- ông Võ Ngãi, một hộ nuôi trồng ở xã Phú Xuân lo lắng.

Nói về nguyên nhân, năm nay, các loại NTTS chết với số lượng lớn một cách bất thường, ông Phạm Anh Khôi - cán bộ phụ trách thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh TT-Huế cho biết: Những năm gần đây, tình trạng thủy sản nuôi trồng cũng có chết nhưng chỉ xảy ra lác đác. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên mà người nuôi trồng bị thất bát nặng nề khi số lượng tôm, cua, cá chết rất nhiều, trên diện rộng. Theo ông Khôi, nguyên nhân, thủy sản được nuôi trồng chết là do thời tiết khô hạn dẫn đến nguồn nước không đảm bảo chất lượng; nguồn giống không đảm bảo và một nguyên nhân quan trọng là do thời gian qua, người NTTS sử dụng hàng loạt sản phẩm để cải tạo, xử lý môi trường trước khi thả nuôi có “vấn đề”.

(còn nữa)
Hải Lan

Kỳ tới: Loạn sản phẩm cải tạo môi trường bị “rút ruột”