Tranh cãi sau tai nạn thảm khốc Germanwings

Thứ hai, 28/03/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - 1 năm đã trôi qua kể từ sau vụ tai nạn thảm khốc của Hãng hàng không Germanwings do phi công tự sát, khiến tất cả 150 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Sau vụ việc thương tâm trên, hàng loạt biện pháp nhằm đảm bảo an toàn chuyến bay xung quanh hoạt động của tổ lái đã được đề xuất. Liệu đến nay thiết kế của buồng lái có thay đổi gì nhiều so với thời điểm cách đây 1 năm hay không?

Ngày 24-3-2015, máy bay số hiệu 4U9525 của hãng hàng không giá rẻ Đức Germanwings đang trên đường bay từ Barcelona đến Dusseldorf đâm sầm vào dãy núi Alps, Pháp khiến toàn bộ 150 người trên khoang thiệt mạng.

Theo dữ liệu hộp đen, khi cơ trưởng rời khoang lái, cơ phó Andreas Lubitz kiểm soát máy bay và hạ độ cao tự do. Cơ trưởng quay lại gõ cửa, đập mạnh và cố gắng phá cửa để xông vào nhưng bất thành. 10 phút sau, máy bay đâm thẳng vào núi. Các cuộc điều tra đã được mở ra. Song song với đó những câu hỏi về thay đổi thiết kế cửa buồng lái cũng được đặt ra.

Các tính năng bảo mật mới được giới thiệu sau vụ khủng bố 11-9, bao gồm cửa buồng lái cốt thép. Ở đây, cánh cửa buồng lái chống đạn được lắp đặt vào cuối năm 2001.

Con dao hai lưỡi

Sau thảm kịch hàng không tồi tệ nhất thế giới ngày 11-9-2001, khi kẻ khủng bố chiếm quyền điều khiển máy bay, ngành Hàng không có cuộc cải tổ lớn về cửa buồng lái. Nếu như trước đây, cánh cửa có thể được mở rộng để tạo cảm giác thân thiện, gần gũi với hành khách, sau đó, nó được làm từ vật liệu chống đạn, và gần như bất khả xâm phạm nếu được khóa từ bên trong.

Cơ phó Lubitz tận dụng điều này để thực hiện ý định tự tử. Cơ trưởng có thể vào phòng lái nếu nhập đúng mật mã bí mật chỉ tổ lái mới biết ở một bàn phím bên ngoài buồng lái, và trong vòng 30 giây nếu người bên trong không trả lời, cửa sẽ tự mở. Tuy nhiên, nếu người bên trong từ chối mở ngay cả với mã số đặc biệt này, người bên ngoài cũng không vào được. Và đây là điều đã diễn ra với chuyến bay 4U9525. Vì vậy, sau vụ tai nạn này, không ít chuyên gia băn khoăn liệu nên có một giải pháp "sơ cua" để ngăn chặn việc khóa trái cửa từ bên trong hay không? Tuy nhiên, giả thuyết này về mặt lý thuyết sẽ tạo cơ hội cho những kẻ khủng bố. Thay vào đó, các hãng hàng không đã thay đổi chính sách của mình.

Bùng nổ tranh cãi

Hãng hàng không Đức Lufthansa, chủ sở hữu hãng Germanwings nhưng bây giờ hoạt động dưới cái tên Eurowings, cùng với nhiều hãng hàng không khác, ra quy định luôn phải có 2 thành viên phi hành đoàn, bao gồm ít nhất 1 phi công có chuyên môn, trong buồng lái. Theo quy định này, người thứ 2 sẽ là tiếp viên hàng không nếu cơ trưởng hoặc cơ phó rời khỏi buồng lái trong một chuyến bay.

 "Sự hiện diện của 2 người trong buồng lái không có nghĩa là buồng lái đó đã an toàn đặc biệt nếu 1 trong 2 có ý định tự sát, hoặc tệ hơn là 1 tên khủng bố", chuyên gia tên Philip Baum nhận định. Thực tế chứng minh một số vụ việc tương tự cũng xảy ra mặc dù có 2 phi công trong buồng lái. Năm 1994, chiếc ATR-42 của Hãng hàng không Royal Air Maroc đâm xuống dãy núi Atlas khi cơ trưởng máy bay cố ý tự sát. Cũng với mục đích tự sát tương tự, chuyến bay số hiệu 350 thuộc hãng hàng không Japan Airlines rơi xuống biển khi đang chuẩn bị hạ cánh ở Tokyo năm 1982 dù cơ phó đã cố gắng ngăn cản.

Theo hãng hàng không El Al của Israel, cần có nhà vệ sinh bên trong buồng lái và phi công sẽ không phải đối mặt với tình trạng bị nhốt bên ngoài của buồng lái nữa. Tuy nhiên, ý kiến này bị bác bỏ vì một số lý do không có lợi đối với ngành công nghiệp hàng không mặc dù chi phí lắp đặt rất rẻ. Nhiều hãng hàng không lại đề nghị tăng thêm 1 chỗ ngồi trong buồng lái cho kỹ thuật viên. Một số chuyên gia gợi ý hệ thống cho phép những người dưới mặt đất có thể chiếm quyền kiểm soát máy bay. Đây không phải là điều bất khả thi với điều kiện kỹ thuật hiện nay, nhưng có thể sẽ làm tăng chi phí điều hành. Ngoài ra, tính năng này cũng không hoàn toàn an toàn, thậm chí chứa đựng rủi ro lớn nếu hacker xâm nhập được vào hệ thống máy tính.

Một số ý kiến khác nhấn mạnh tính quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe cũng như tinh thần của tổ lái. Tuy nhiên, tất cả giải pháp trên vẫn đang tiếp tục được thảo luận để tránh những tình trạng tương tự như Germanwings.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)