Trao Bằng Tổ quốc ghi công tới 672 thân nhân, gia đình liệt sĩ
Ngày 26-12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện 672 thân nhân, gia đình liệt sĩ. Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và thân ái gửi tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân, các gia đình liệt sĩ, những người có công với đất nước lời thăm hỏi ân cần và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong số công nhận liệt sĩ lần này, có đến 148 trường hợp hy sinh cách đây hơn 70 năm (có trường hợp 86 năm) như: cụ Phan Văn Viễn, sinh năm 1895 tại xã Triệu Thượng, H. Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hy sinh năm 1948 trên đường đi họp theo giấy triệu tập của Ủy ban kháng chiến xã bị giặc pháp phục kích bắt giam và tra khảo, do không khai báo nên địch bắn chết. Cụ Nguyễn Văn Sớm, sinh năm 1900, quê ở xã Chánh Hội, xã Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là cán bộ tuyên truyền xã hy sinh năm 1931 trong khi làm nhiệm vụ công tác tuyên truyền về Đảng bị địch phát hiện bắt giam tại nhà tù Côn Đảo và bị tra tấn đến chết trong tù... Những trường hợp này chưa được công nhận là do không có hồ sơ, giấy tờ gốc; không còn thân nhân chủ yếu; còn thiếu một số điều kiện theo quy định; người làm chứng không cùng đơn vị, không cùng chiến đấu; hồ sơ thất lạc phải làm lại từ đầu hoặc hồ sơ phải bổ sung nhiều lần đến khi hoàn thiện thì hết hiệu lực văn bản quy định và nhiều lý do khác.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra trong Chỉ thị số 14, đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, trước mắt tập trung xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng theo quy trình tại Quyết định 408 của Bộ LĐ-TB&XH; đồng thời tổng kết, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng để nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh.
HOÀNG HOA – PHÚC HẰNG