Trao “cần câu” cho nông dân nghèo

Thứ hai, 17/02/2014 11:49

(Cadn.com.vn) - Từ nhiều năm qua, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, các cấp Hội Nông dân (ND) H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng lại ra quân giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn cải tạo vườn tạp, hỗ trợ con giống, cây giống để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Năm nay, Hội ND huyện tiếp tục hỗ trợ gần 1.200 cây ăn quả các loại, hơn 30 con giống và 70 kg phân bón cho hộ nghèo các địa phương... Từ chiếc “cần câu” này đã tạo ra nhiều cơ hội cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Tại thôn miền núi An Châu (xã Hòa Phú), mảnh vườn gần 500m2 của anh Đặng Què cỏ mọc um tùm. Trong nhiều năm qua, mặc dù anh Què đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng nhưng hiệu quả kinh tế đem lại thì rất thấp. Sau khi qua khảo sát, nghiên cứu đất và thổ nhưỡng, Hội ND xã vận động hội viên ra quân giúp cải tạo vườn tạp, trồng thí điểm cây mít ghép mô, đã tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn cho anh.

Anh Què vui mừng nói: “Là người nông dân, đất đai là vốn quý nhưng tôi chẳng biết lựa chọn cây gì cho phù hợp với đất cằn cỗi nơi đây. Bỏ hoang thì tiếc, canh tác thì có làm mà chẳng có thu. Hôm nay được Hội ND huyện và xã giúp trồng cây mít ghép, tôi hy vọng sẽ cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình mình”...

Theo bà Hồng Thị Trinh - Chủ tịch Hội ND huyện, việc phát triển kinh tế vườn đã tạo cho nông dân các địa phương hướng sản xuất mới, không phải trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cấp hội sẽ tăng cường công tác hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt để giúp người dân thật sự phát huy kinh tế từ mảnh vườn của mình.

Hội viên ND Trần Văn Phúc (thôn An Châu, xã Hòa Phú) chăm sóc vườn thanh long hơn 100 trụ.

Được biết, Hòa Vang còn hơn 1.000ha vườn tạp, tập trung nhiều ở các xã miền núi. Tuy nhiên, việc sử dụng đất vườn của các hộ dân nơi đây là chưa phù hợp, còn trồng nhiều loại cây tạp, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Vì vậy, việc cải tạo vườn tạp để phát triển cây trồng có giá trị kinh tế, góp phần giảm nghèo cho người dân là hết sức cần thiết. Khu vườn của các hộ Trần Văn Phúc, Lê Thị Kim Anh (thôn An Châu) là một ví dụ.

Với diện tích gần 3.000m2 nhưng nhiều năm qua kinh tế vườn của các hộ này chẳng đem lại là bao. Đến khi UBND xã Hòa Phú cùng các ban, ngành của địa phương vận động hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng thí điểm hơn 150 trụ thanh long đã tạo nhiều tín hiệu vui cho gia đình.

Ông Phúc chỉ tay ra vườn thanh long cho biết: “8 tháng trước, chẳng có ai trong thôn chúng tôi lại nghĩ đến chuyện trồng cây thanh long lại thích hợp với đất đai nơi đây nên phần lớn đất vườn bỏ hoang, số ít hộ có chăn nuôi bò trồng cỏ. Vì vậy, kinh tế vườn của người dân trong thôn không phát huy hết hiệu quả”. Mặc dù chưa tạo nguồn thu nhập nhưng nhìn các khóm thanh long xanh mướt đang ra hoa, kết trái, ông Phúc, bà Anh nhẩm tính giá trị từ loại cây trồng mới này.

Không có đất cằn cỗi, chỉ là do người canh tác chưa chọn cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng của mỗi vùng mà thôi. Với gần 50 mô hình cải tạo vườn tạp đã có hiệu quả từ năm 2011 đến nay do các cấp Hội ND Hòa Vang khởi xướng đã phần nào chứng minh cho những nhận định này.

An Dương