Trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, hộ khẩu và thăm, viếng, khai tử tại gia đình: Cải cách tư pháp vì dân

Thứ năm, 01/02/2018 16:00

Tháng 8-2016, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký Quyết định số 5819/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "triển khai thí điểm thực hiện trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), hộ khẩu tại gia đình trẻ em" trên địa bàn TP. Cùng với đó, từ tháng 5-2017, Đà Nẵng đã triển khai Đề án "thăm, viếng, chia buồn và thực hiện đăng ký khai tử tại gia đình công dân". Sau một thời gian triển khai đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời cũng cho thấy tính nhân văn của các đề án này.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đến tận nhà để trao giấy khai sinh
cho trẻ em trên địa bàn.  
   (Ảnh: Lê Hùng)

Theo Quyết định 5819/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng, việc trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT tại gia đình trẻ em nhằm tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả các luật hộ tịch, cư trú, BHYT, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... tại địa phương, giúp công dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, nâng cao tính phục vụ trong giao dịch hành chính với người dân. Đây cũng là việc làm mang tính nhân văn, khẳng định rõ hơn sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị trên địa bàn TP khi chứng nhận, chào đón một công dân mới ra đời.

Ông Tạ Tự Bình- Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), ngoài tiếp tục thực hiện Đề án triển khai thí điểm thực hiện trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, sổ hộ khẩu tại gia đình trẻ em, năm 2017, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt và triển khai thí điểm việc thăm, viếng, chia buồn và thực hiện đăng ký khai tử tại gia đình công dân. Để công tác đăng ký hộ tịch đạt hiệu quả, thực hiện theo đúng quy định Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi thành, năm 2017, Sở Tư pháp đã chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Tư pháp các quận, huyện và UBND các xã, phường. Qua tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, nhiều vấn đề vướng mắc trong thực hiện đăng ký hộ tịch được các địa phương nêu ra để thảo luận, cùng thống nhất về cách thực hiện, tạo sự thuận lợi, đồng bộ trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn TP.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, trong năm 2017, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn TP đã thực hiện đăng ký khai sinh cho hơn 16.100 trường hợp, trong đó thực hiện trao giấy khai sinh hoặc trao thẻ BHYT, hộ khẩu tại gia đình trẻ em cho hơn 8.700 trường hợp, đạt tỷ lệ 53,8% tổng số trường hợp được khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền. Trong khoảng thời gian này, các cơ quan chức năng cũng đăng ký khai tử cho hơn 3.000 trường hợp, trong đó chính quyền địa phương đã thực hiện thăm viếng, chia buồn và đăng ký khai tử tại gia đình công dân là 1.653 trường hợp, đạt tỷ lệ 53,6%. Đặc biệt, trong năm 2017, UBND các cấp trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho hơn 15.300 trường hợp. Việc triển khai thực hiện phần mềm đăng ký khai sinh với cấp số định danh cá nhân của Bộ Tư pháp góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đăng ký hộ tịch tại địa phương.

Là địa bàn rộng với diện tích chiếm 95% toàn thành phố, dân cư phân tán, mật độ thấp nhưng khi triển khai thực hiện 2 Đề án nói trên, H. Hòa Vang đã có nhiều cách làm sáng tạo, tích cực và kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Bà Nguyễn Thị Xuân- Trưởng phòng Tư pháp H. Hòa Vang cho biết, cũng như các quận khác trên địa bàn TP, ngay sau khi Đề án được ban hành, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho lãnh đạo huyện triển khai trên địa bàn 11 xã thuộc huyện. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương, trong năm 2017, toàn huyện đã thực hiện đăng ký khai sinh, hộ khẩu, trao thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2.000 trường hợp trẻ em vừa sinh, trong đó, cán bộ trực tiếp trao 1.600 trường hợp (đạt 72,7%), 100 trường hợp công dân có yêu cầu trao giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ BHYT tại nhà đều được thực hiện. Cũng trong thời gian qua, chính quyền các cấp thuộc huyện đã thực hiện thăm viếng, chia buồn 553 trường hợp, đồng thời tiến hành khai tử tại nhà cho 316 trường hợp (đạt 57%). Các địa phương cũng đã trao 9 sổ tiết kiệm cho trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. "Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số khó khăn như trong thành phần trao giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ BHYT phải có đại diện "cứng" là UBND xã, trưởng thôn và các thành phần thuộc quân, dân, chính cơ sở. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có trưởng thôn nên cần có sự linh hoạt trong quá trình thực hiện, thay thế bằng đại diện của Mặt trận hoặc đại diện quân, dân, chính cơ sở. Mặt khác, việc đăng ký khai tử tại nhà đôi khi cũng gặp khó khăn như các trường hợp chết trẻ, TNGT... lúc này gia đình họ đang đau buồn, nếu cán bộ thực hiện đến thăm, viếng và trình bày ý định ngay cũng khó nên cần có sự linh hoạt, hướng dẫn gia đình sau tang gia đến liên hệ để thực hiện các thủ tục khai tử"- bà Xuân chia sẻ thêm.

 "Các Đề án trên là những bước tiến lớn trong cải cách hành chính của chính quyền TP, là điểm sáng trong quá trình xây dựng chính quyền phục vụ. Thực tiễn triển khai thực hiện 2 Đề án này cho thấy, đây là sự đổi mới về thái độ, phong cách chính quyền phục vụ nhân dân của thành phố, đồng thời thể hiện một chính quyền thân thiện trong nỗ lực cải cách hành chính theo hướng phục vụ nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân là người hưởng thụ từ những chủ trương, chính sách của TP"- ông Tạ Tự Bình đánh giá.

Việc triển khai 2 Đề án nói trên không chỉ tạo sức lan tỏa trên địa bàn TP Đà Nẵng mà lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng ghi nhận và đánh giá cao việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này. Tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018 của TP Đà Nẵng vào cuối tháng 1-2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ghi nhận, đánh giá cao việc ban hành và thực hiện 2 Đề án này. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai, thực hiện tốt hơn nữa để góp phần cải cách hành chính, tạo sự thuận lợi cho người dân trên địa bàn trong quá trình thực hiện các thủ tục tư pháp.

NGUYỄN TUẤN