Trào lưu cho thuê, sang nhượng mặt bằng: Giật gấu vá vai để tồn tại
(Cadn.com.vn) - Trong khó khăn chung của tình hình sản xuất kinh doanh, nhiều DN đang tự tìm cách để tồn tại bằng việc cắt giảm chi phí, nhân công... Nếu như khi SXKD thuận lợi, người ta đổ xô đi thuê mặt bằng để mở rộng thị trường thì giờ đây, nhiều DN đang “giật gấu vá vai”, tìm đối tác cho thuê lại một phần nhà xưởng, mặt bằng nhằm gỡ lại chi phí để tồn tại.
Vào thời điểm này, các tấm biển cho thuê, sang nhượng cơ sở SXKD được treo rất nhiều tại các khu vực đã từng được coi là “đất vàng”. Thậm chí, nhiều DN đã “nóng mặt” đến mức phải chào hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù lý do mà họ đưa ra khi tìm đối tác là “bận công tác xa”, “đi nước ngoài”, “cần tiền gấp”..., nhưng gần như ai cũng ngầm hiểu rằng, đúng chính xác là đang... cần tiền gấp!
Trao đổi việc này với một cán bộ Hiệp hội DNVVN TP Đà Nẵng, được vị này cho biết, ngoài rất nhiều DN phá sản, số còn lại đang tìm mọi cách chống chọi để có thể tồn tại, giảm lỗ vào thời điểm này. Sau giai đoạn cắt giảm nhân công, thu hẹp sản xuất, việc cho thuê lại một phần nhà xưởng, mặt bằng gần như là “sanh kế” cuối cùng để chờ đợi sự ấm dần của nền kinh tế. Tuy nhiên, mình khó thì người khác cũng chẳng dễ dàng gì, nên ngay cả việc xuống nước cho thuê với giá mềm thì không phải ai cũng tìm được đối tác. Thành thử, trong lúc nợ ngân hàng trở thành một nỗi ám ảnh thì quỹ mặt bằng từng một thời khan hiếm và đội giá giờ lại nằm im, không ai ngó ngàng.
Ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH thương mại tổng hợp Phước Tiến, một trong những đơn vị có tiếng về lĩnh vực xuất khẩu thủy sản tại miền Trung không ngần ngại chia sẻ: vào thời điểm kinh doanh thuận lợi, Cty Phước Tiến có tới 15 cơ sở sản xuất, quy mô liên tục mở rộng. Nhưng hiện tại, Cty đã thu hẹp sản xuất và cho thuê, sang nhượng rất nhiều để có tiền trang trải các khoản chi phí. “Đối với xuất khẩu thủy sản, thời điểm này nguồn nguyên liệu khan hiếm, sản xuất cầm chừng trong khi đó lãi ngân hàng đang ở mức cao, chúng tôi không còn cách nào khác là giật gấu vá vai để tồn tại” - ông Tuấn cho biết.
![]() |
Một ngôi nhà cao tầng trên đường Trần Hưng Đạo mới xây xong phần thô đã rao bán. |
Ông P. - một chủ DN kinh doanh VLXD có 2 cơ sở trên đường Điện Biên Phủ cho biết, hàng tồn kho quá nhiều do lĩnh vực xây dựng, bất động sản thời gian qua quá trầm lắng. Chình vì vậy, ông phải thu hẹp kinh doanh về một địa điểm là trụ sở chính, cơ sở còn lại gần 200m2 mặt tiền cho một đơn vị khác thuê để lấy tiền trả lương cho nhân viên và thêm vào trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, cho thuê vào thời điểm này cũng bị ép giá, vì không dễ gì tìm ra đối tác có nhu cầu. “Chính mình đã phải lấy chỗ này đắp chỗ kia thì các DN khác cũng khó. Nếu không hạ giá, chắc chắn mặt bằng sẽ bỏ không” - ông P. tâm sự. Bi đát hơn, chị H. (trú Q. Sơn Trà) đã phải rao bán căn nhà cao tầng trên đường Trần Hưng Đạo vốn định xây dựng để kinh doanh, nhưng mới xây xong phần thô đã... hết vốn, nợ chồng lên nợ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội DNVVN TP Đà Nẵng cho biết, ngoài việc tuyên bố phá sản, tự phá sản và thu hẹp sản xuất để “cầm hơi”, hiện rất nhiều thành viên của Hiệp hội đã tính đến chuyện cho thuê hoặc sang nhượng lại mặt bằng để trang trải chi phí. “Khi kinh doanh thuận lợi, DN sẽ có chiến lược sinh lãi, nâng cao lợi nhuận. Còn khi gặp khó khăn họ phải tính đến việc giảm lỗ để cầm cự. Việc cho cắt giảm quy mô, nhân lực... là một bài toán tất yếu trong thời điểm quá khó khăn như thế này” - ông Thiết phân tích.
Khó khăn chồng chất, “túng thì phải tính”, việc các Cty, DN thu hẹp sản xuất, cho thuê, sang nhượng một phần mặt bằng, nhà xưởng, âu cũng là một giải pháp phải thực hiện trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế.
Đông A