Triển khai chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân đi xe buýt

Thứ hai, 17/06/2019 15:17

Tại TP Đà Nẵng, đặc biệt là khu vực nội đô ngày càng có nhiều điểm ách tắc giao thông, nhất là vào các khung giờ cao điểm trong ngày do sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông cá nhân, trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu giao thông.

Xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng vẫn chưa thu hút người dân.
* Chuyển tuyến xe cố định từ Đà Nẵng đi TT- Huế thành tuyến xe buýt liền kề: Liên quan đến hoạt động xe buýt, ngày 7-6 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 3732/UBND-SGTVT thống nhất theo đề xuất của Sở GT-VT TP  về việc cho phép chuyển tuyến xe cố định từ Đà Nẵng đi TT- Huế và ngược lại, mã số tuyến 43751112 thành tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng - Huế và ngược lại (tuyến buýt không trợ giá). UBND TP giao Sở GTVT TP căn cứ chủ trương này tiếp tục phối hợp với Sở GT- VT TT- Huế và các đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị vận tải hoàn chỉnh phương án tuyến, tiêu chí chất lượng dịch vụ xe buýt, hạ tầng xe buýt như điểm dừng, nhà chờ, đảm bảo an toàn giao thông trước khi đưa tuyến buýt vào hoạt động.

 Một trong các giải pháp chống ùn tắc giao thông mà chính quyền TP đã đề ra là xây dựng và phát triển mạng lưới xe buýt công cộng hiện đại và văn minh, đặc biệt là trợ giá để thu hút người dân sử dụng. Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Đà Nẵng cho biết: TP hiện có 6 tuyến xe buýt trợ giá đang hoạt động, các tuyến xe buýt này kết nối những khu vực như: Q.Liên Chiểu, Bến xe phía Nam, Làng Đại học Đà Nẵng (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn), Công viên Biển Đông, đường Hoàng Sa (Q. Sơn Trà) với khu vực trung tâm TP (Q. Hải Châu). Dự kiến, trong quý III-2019, TP sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 6 tuyến xe buýt trợ giá mới, kết nối thêm các khu vực như: Ga đường sắt Kim Liên, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính H.Hòa Vang, Khu du lịch Ngũ Hành Sơn, xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang),… với khu vực nội đô; nâng tổng số tuyến xe buýt có trợ giá của TP lên 12 tuyến, tạo thành mạng lưới giao thông công cộng bao phủ các hướng và đi qua khu vực trung tâm TP đến tất cả các quận, huyện nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Mặc dù mạng lưới xe buýt có ở khắp các địa bàn của TP, phương tiện xe buýt mới, sạch sẽ và nhiều tiện ích như: máy điều hòa, wifi miễn phí, nhân viên phục vụ văn minh và lịch sự… nhưng nhìn chung các tuyến xe buýt trợ giá hoạt động trên địa bàn TP hiện nay khá vắng khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân TP chưa mấy mặn mà với loại phương tiện công cộng này, bởi vì tình trạng tắc đường hay vấn đề kẹt xe của TP chưa đến mức nghiêm trọng như Hà Nội, TPHCM. Bên cạnh đó, quãng đường di chuyển từ nội đô đến ngoại thành hay ngược lại cũng không quá xa như ở hai TP lớn  nói trên. Vì vậy, việc chuyển đổi phương tiện cá nhân qua sử dụng xe buýt ngay lập tức là điều gần như không thể. Ông Nguyễn Văn Hùng, ở Q.Sơn Trà chia sẻ thêm: từ lộ trình đến thông tin về các tuyến xe buýt trợ giá của TP chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân. Đáng ngại hơn là một số điểm nhà chờ xe buýt bị lấn chiếm bởi các thùng rác, hàng quán rất nhếch nhác... Ngoài ra, việc bố trí các điểm chờ xe buýt, các điểm dừng đỗ xe buýt chưa hợp lý, chưa thuận tiện, đặc biệt là chưa có các bãi giữ xe máy cho người dân, nhất là người dân ở các kiệt, hẻm rất xa các nhà chờ xe buýt cũng là nguyên nhân khiến cho xe buýt của TP cho đến nay vẫn chưa thu hút được hành khách.

Kiên định với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải của xe buýt đạt 9% tổng nhu cầu đi lại của người dân TP, xe buýt nhanh đạt 3% (458.735 chuyến/ngày) và đến năm 2025 sẽ đảm nhận 837.098 chuyến/ngày, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, Sở GT- VT TP tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển mạng lưới xe buýt công cộng của TP. Bên cạnh việc tăng số tuyến xe buýt trợ giá từ 6 tuyến hiện nay lên 12 tuyến trong thời gian sắp tới, Sở GT- VT TP đã phối hợp với Ban ATGT TP, chính quyền địa phương các cấp và nhiều trường học trên địa bàn TP triển khai chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân, học sinh đi xe buýt. Cụ thể, liên tục trong 30 đêm của tháng 5 và 6-2019, bắt đầu từ 19 giờ, Sở GTVT TP đã chia làm nhiều đoàn công tác do các đồng chí trong ban lãnh đạo Sở làm Trưởng đoàn, tổ chức các buổi tuyên truyền, giới thiệu hệ thống xe buýt có trợ giá của TP tại 50 phường, xã và 30 trường học trên địa bàn TP với sự tham gia của cán bộ phường, đại diện các chi hội đoàn thể và nhân dân các tổ dân phố. Đối với 30 trường học bao gồm phổ thông và cao đẳng, đại học nằm trên lộ trình các tuyến buýt đi qua thì được nhận tài liệu và video giới thiệu về hệ thống xe buýt trợ giá để tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của nhà trường.

Bên cạnh đó, Sở GT- VT TP còn vận động cán bộ, công chức, người lao động sử dụng xe buýt bằng việc tham mưu UBND TP tổ chức khảo sát nhu cầu đi lại tại các trung tâm hành chính, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn TP để điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt cho phù hợp với các điểm thu hút khách; đồng thời, phối hợp với Ban ATGT TP đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn TP tổ chức phổ biến rộng rãi và vận động toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đi làm bằng xe buýt, phát tờ rơi đến từng bàn cán bộ, công chức, viên chức… "Trong các buổi tuyên truyền, vận động tại các phường, xã, trường học, bên cạnh việc chiếu video giới thiệu chung về xe buýt trợ giá, phát tài liệu có đầy đủ các thông tin về lộ trình, điểm dừng, tần suất hoạt động, thủ tục làm thẻ đi xe buýt trợ giá vé tháng, hồ sơ làm thẻ đi xe buýt vé ưu tiên…, đại diện Sở GT- VT TP còn trực tiếp giải đáp tất cả các thắc mắc của người dân cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt công cộng của TP", Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Đà Nẵng Bùi Thanh Thuận cho biết thêm. 

PHÚ NAM