Triển khai chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại Đà Nẵng: Người tiên phong, kẻ thiếu mặn mà

Thứ sáu, 28/10/2016 10:50

(Cadn.com.vn) - Sau 2 đơn vị tiên phong, sắp tới, Đà Nẵng sẽ có kế hoạch triển khai trên diện rộng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây được xem là động thái quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bữa ăn của người dân. Tuy nhiên, đây là bài toán không hề dễ khi nhiều cơ sở sản xuất, cung ứng, vận chuyển vẫn còn tâm lý e ngại, thiếu mặn mà.

Sau 2 đơn vị đầu tiên được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, Đà Nẵng sẽ tăng cường để triển khai trên diện rộng từ năm 2017. Ảnh: C.K

Khắt khe để chuyên nghiệp 

Ngày 21-10 vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Đà Nẵng tiến hành cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 2 doanh nghiệp kinh doanh rau, củ, quả đầu tiên trên địa bàn thành phố, gồm: Cty TNHH một thành viên TMDV Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng (41 loại sản phẩm) và Cty TNHH MTV Khoa Hưng Thịnh (10 loại sản phẩm). Theo ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, sau các đơn vị này, Chi cục sẽ tham mưu UBND thành phố làm việc với Bộ NN&PTNT để tiến hành triển khai trên diện rộng đối với các cơ sở trồng trọt, sản xuất, thu gom rau củ quả đủ điều kiện. Ngoài đáp ứng tiêu chuẩn về hồ sơ theo quy định của pháp luật, đơn vị phải có chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Bên cạnh việc doanh nghiệp tự kiểm tra nguồn gốc sản phẩm đầu vào, ngành chức năng  sẽ thực hiện lấy mẫu đối với những sản phẩm có trong danh mục kinh doanh để kiểm nghiệm các chỉ số, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Phan Thống – Giám đốc Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng cho biết, hai đơn vị cung ứng rau củ quả cho siêu thị này là từ Hội An (Quảng Nam) và Lâm Đồng. Dù đối tác cam kết về đảm bảo chất lượng nhưng định kỳ siêu thị phải lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chỗ hoặc gửi mẫu đi kiểm tra. “Nếu phát hiện không đạt yêu cầu, chúng tôi lập tức dừng việc nhập hàng và yêu cầu họ có giải trình, khắc phục. Nếu không đảm bảo chất lượng, chúng tôi kiên quyết không nhập, thậm chí là ngừng hợp tác”, ông Thống cho hay.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Giám đốc Cty TNHH MTV Khoa Hưng Thịnh, tuy số lượng rau củ quả từ cửa hàng tham gia chuỗi thực phẩm an toàn không lớn như siêu thị nhưng bà hoàn toàn yên tâm về chiến lược phát triển lâu dài vì có đầu vào từ một trang trại của gia đình tại H. Hòa Vang. “Lâu nay, trang trại của tôi thường cung cấp rau cho các khách sạn 5 sao nên người tiêu dùng rất khó tiếp cận. Bây giờ mở thêm một cửa hàng nhỏ, giá chỉ nhích hơn ở chợ một tí, các bà nội trợ bình thường chấp nhận được. Tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong thời gian đầu, đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ thì chưa thể có lợi nhuận nhiều. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì khi người tiêu dùng bắt đầu thay đổi nhận thức về bữa ăn, về cách đi chợ”, bà Dung nói.

 Ngoài hệ thống siêu thị (ảnh), việc vận động các cơ sở kinh doanh tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: C.K

Vẫn còn gian nan

Dù đã có những đơn vị tiên phong với việc kinh doanh rau, củ, quả sạch nhưng con đường để có chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sự tham gia của nhiều cơ sở trồng trọt, sản xuất, thu gom, kinh doanh vẫn còn rất gian nan.

Một cán bộ của Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho hay, chưa nói đến công tác kiểm nghiệm mà ngay khâu tuyên truyền, vận động các cơ sở lập hồ sơ, thủ tục, doanh nghiệp cũng đã thiếu mặn mà. Thậm chí, nhiều nơi lảng tránh, không muốn hợp tác hoặc hỏi vặn lại tham gia thì được lợi gì? “Nghe nói đến một số thủ tục như hồ sơ, họ cứ nghĩ là mình đến hoạnh họe, nên cán bộ chuyên môn cũng khó khăn khi tuyên truyền chủ trương cũng như vận động họ tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Để triển khai trên diện rộng, chúng ta cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, phải làm cho họ gần gũi mình hơn, biết được lợi ích lâu dài”, vị cán bộ này nói.

Một vấn đề khác khiến hành trình rau củ quả sạch đến tay người tiêu dùng còn gian nan chính là kinh phí kiểm nghiệm mẫu đối với sản phẩm. Theo ông Phan Thống, sau khi thử nhanh tại chỗ, muốn kiểm tra chắc chắn về độ an toàn của một mẫu phải mất tới 2 triệu đồng, cộng với thời gian chờ đợi kết quả tương đối lâu. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại hàng hóa, kinh phí kiểm nghiệm hàng năm phải bỏ ra rất lớn. Trong thời gian đầu, các cơ sở nhận được sự hỗ trợ về kinh phí từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nhưng tương lai, khi bắt đầu ổn định, họ phải tự lo. Chính vì vậy, chỉ có xác định kinh doanh bền vững, có tâm người ta mới tự nguyện tham gia chuỗi.

Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Thùy Dung cho rằng, ngoài cái tâm của người kinh doanh thì quy trình kiểm nghiệm cũng phải thật sự kỹ càng và minh bạch. Vì đây cũng là một vấn đề đang tồn tại nhiều lỗ hổng. “Quan trọng nhất là sản phẩm đầu vào đầu ra phải là một. Nhiều người khi vào cửa hàng mua rau họ hỏi thẳng là nó có sạch thiệt không hay kiểm nghiệm một đằng, bán một nẻo? Chúng tôi giải thích là rau đạt tiêu chuẩn thì họ nói “bữa nay mua tiêu chuẩn chẳng có gì là khó”. Chính vì vậy, trước hết mình phải lấy được lòng tin của người tiêu dùng”, bà Dung chia sẻ.

Chính ông Nguyễn Tứ cũng thừa nhận, chặng đường phía trước để thực phẩm sạch lên bàn ăn của người dân vẫn còn rất khó khăn, mà hai nguyên nhân chính vẫn là cái tâm của người kinh doanh và ý thức của người tiêu dùng. Tuy vậy, với quyết tâm của thành phố, ngành chức năng phải làm từng bước theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Đây là thành quả bước đầu để làm tiền đề, khuyến khích các doanh nghiệp khác đủ điều kiện, tiêu chuẩn cùng nhau tham gia vào chuỗi, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

“Trong năm 2017, Chi cục và Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố thành lập ban điều phối, gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Kiểu gì thì cũng phải có bàn tay của Nhà nước hỗ trợ, mở ra cơ chế, tạo điều kiện hết sức chứ chắc chắn chúng tôi không làm khó doanh nghiệp”, ông Tứ cho hay.

Công Khanh