Triển khai dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam

Thứ hai, 07/10/2024 06:20

Ngày 5-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ về tình hình thực hiện Dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.722 tỷ đồng.

Sông Trường Giang nhiều đoạn hiện đang bị bồi lấp nghiêm trọng, nhiều người nuôi trồng thủy sản trên sông nên khó khăn cho việc triển khai GPMB.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Xây mới 6 cây cầu trên sông Trường Giang

Theo báo cáo của BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư), dự án bao gồm 3 hợp phần chính: Nạo vét sông Trường Giang, tổ hợp thoát lũ Tam Kỳ và xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Trường Giang. Cụ thể, Dự án sẽ nạo vét luồng đường thủy nội địa sông Trường Giang phạm vi từ Ngã ba An Lạc (Cửa Đại - Hội An) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa - Núi Thành) với tổng chiều dài 60km. Xây dựng kè tại các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ, kết hợp neo đậu tàu cá tránh trú bão; dịch chuyển, bổ sung hệ thống phao, tiêu báo hiệu đường thủy. Khi hoàn thiện, tuyến luồng sông Trường Giang sẽ đạt chuẩn tắc sông cấp IV theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, đảm bảo khai thác hiệu quả đối với tàu có trọng tải đến 100 tấn lưu thông 2 làn.

Trên dự án này, sẽ triển khai thi công 6 cầu mới và hoàn trả một cầu dân sinh qua sông Trường Giang, gồm các cầu: Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh và cầu Tam Tiến. Ngoài ra, Quảng Nam sẽ đầu tư tổ hợp công trình thoát lũ TP Tam Kỳ, nối từ hồ sông Đầm ra sông Trường Giang với chiều dài khoảng 2,38 km.

Dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.722 tỷ đồng; tương đương 113,39 triệu USD, trong đó chi phí xây dựng chiếm hơn 1.629 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án là vốn vay ODA từ WB khoảng hơn 1.838 tỷ đồng, tương đương khoảng 76,57 triệu USD, chiếm khoảng 67,53% tổng mức đầu tư. Vốn đối ứng khoảng hơn 884 tỷ đồng, tương đương khoảng 36,82 triệu USD, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2027.

Ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (BQL dự án) cho hay, dự án ảnh hưởng đến nhà cửa, tái định cư của khoảng 1.068 hộ gia đình, 2.044 hộ nuôi trồng thủy sản và 2.078 hộ đánh bắt tự nhiên dọc sông Trường Giang. Đặc biệt, có khoảng 15.72ha rừng phòng hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, HĐND tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với phần diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án này.

“Dự án sử dụng vốn vay ODA và có quy mô trải dài trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) là nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Do đó đề nghị UBND các địa phương phối hợp với Ban sớm tiếp nhận bàn giao cọc GPMB ngoài thực địa; tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; đảm bảo phê duyệt được phương án bồi thường, GPMB trước tháng 6-2025. Phấn đấu khởi công dự án vào tháng 9-2025”, ông Hà đề nghị.

Cũng theo chủ đầu tư, WB hiện đang thảo luận với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2030 làm cơ sở để đàm phán Hiệp định vay. Ban Giao thông đã có Tờ trình 1456/TTr-BQLGT ngày 4-10-2024 đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Chính phủ điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư dự án kéo dài đến năm 2030.

Dự án “trọng điểm của trọng điểm”

Tham gia góp ý tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng cho rằng, dự án sử dụng vốn vay ODA, vì vậy khâu bồi thường, GPMB là hết sức quan trọng để dự án triển khai theo đúng tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. “Đây là các dự án hết sức ý nghĩa với tỉnh, là dự án trọng điểm của trọng điểm. Là cơ hội, động lực cho Quảng Nam phát triển trong thời gian đến. Do đó các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân”, ông Hưng nói.

Sông Trường Giang nhiều đoạn hiện đang bị bồi lấp nghiêm trọng, nhiều người nuôi trồng thủy sản trên sông nên khó khăn cho việc triển khai GPMB.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định, đây là dự án động lực của tỉnh. Dự án này sẽ tạo điều kiện phát triển vùng Đông, đồng thời sẽ tăng cường kết nối, loại bỏ các trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế trọng điểm ven biển, tạo ra hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Để dự án được triển khai và hoàn thành theo kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung phối hợp, thực hiện công tác GPMB thật quyết liệt. “Việc bồi thường, GPMB không hề dễ, bởi dưới sông nước có nhiều tài sản của người dân nên việc kiểm đếm rất khó. Song dù khó vẫn phải quyết tâm thực hiện. Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, nhịp nhàng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu, thống nhất trong quá trình thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, việc nạo vét sông Trường Giang, xây dựng các cây cầu bắt qua sông không chỉ để lưu thông mà phải bảo đảm kĩ thuật, mỹ thuật, gắn với việc phát triển du lịch sau này.

“Cuộc họp này chỉ là bước khởi đầu, công việc còn lại rất nhiều, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao. Do đó các sở, ngành, địa phương cần hành động quyết liệt, tập trung quản lý tốt hiện trạng, thực hiện đền bù, GPMB để sớm khởi công dự án vào tháng 9-2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII”, ông Dũng nói.

TRẦN TÂN