Triền sông quê dắt anh về kỷ niệm
Tôi quen biết và trân quý anh bởi anh học trước 3 khóa cùng khoa, cùng trường và có lúc cùng phòng. Năm tôi vào trường cũng là năm anh chuẩn bị ra trường. Từng là người lính, ra quân đi huấn luyện võ thuật rồi trở thành sinh viên khoa Ngữ Văn… nên anh bao giờ cũng như bức tường thành bảo ban, che chắn cho lứa đàn em chúng tôi. Đó là chuyện ngoài “Triền sông quê” còn trong “Triền sông quê”, PGS.TS. Nhà thơ Hồ Thế Hà và Nhà nghiên cứu, nhà thơ Phùng Tấn Đông đã đề cập khá kỹ, nhiều chiều, nhất là khía cạnh thi pháp ở hai bài như đề dẫn và kết trong tập thơ.
Trong bài “Vũ Duy Văn và Thơ”, nhà nghiên cứu, nhà thơ Phùng Tấn Đông có nhắc lại một ý cổ nhân đã dạy “Rằng tài nên trọng mà tình nên thương”. (Kiều). Và qua tập thơ “Triền sông quê” tôi đã bắt gặp cái tình nên thương ấy, bằng những cảm xúc thơ giản dị, mộc, trầm, tĩnh lặng nhưng có độ ngân lắng, thôi thúc những nhớ thương, dằng dặt, vượt ra khỏi bến sông quê để tìm về những kỷ niệm đẹp và nhiều khi buồn đến chết lặng, ngẩn ngơ.
Đọc thơ anh chắc chắn bạn yêu thơ sẽ đồng ý, đồng cảm với hai nhìn nhận đánh giá của PGS.TS. Nhà thơ Hồ Thế Hà, đại ý tình yêu trong thơ anh bao giờ cũng lỡ làng, ngang trái. Phải chăng đó là sự thật hay chỉ là giả tưởng để người thơ tự ru mình trong giấc tình tan như một thú đau thương? Thơ anh nhiều khi khát khao, nhưng cũng nhiều chia cách, nhung nhớ. Đó là hiện thực hay chỉ là cách tự vệ? Điều đó chỉ chủ thể trữ tình mới có thể trả lời. Nhưng dù sao sự xa xôi ấy cũng đã làm cho lòng người và thiên nhiên xao động. “Thời gian mang đi tất cả/ Biết bao kỷ niệm buồn vui/ Và em cũng thành xa lạ/ Tình theo năm tháng chôn vùi…” (Tình lỡ)
Điều lắng lại trong các thi phẩm của anh có lẽ người đọc cảm nhận rõ nhất là ký ức quê nhà, dòng chảy thời gian trên từng thân phận. Hành trang ấy đã làm trĩu nặng trong anh như là hệ lụy của những suy tư, khoắc khoải về lẽ đời nợ duyên, được mất… Bài thơ “Triền sông quê” anh viết tại Đà Nẵng, tháng Bảy -2021 đâu chỉ là tiếng lòng anh mà anh đã nói hộ cho bao người con xa quê, khi nghĩ về mẹ, nghĩ về hình bóng quê nhà… để rồi rưng rưng nhớ. “… Con về ra đứng triền sông/Xót xa cải đã trổ ngồng mẹ ơi/Hoa vàng xao xác chân trời/Gió đông khoắc khoải, bời bời bến mê…”.
Hình ảnh mẹ trong thơ anh đã khắc họa thật nét của một cú bấm máy thật nhanh để rồi nhòa đi trong xúc động “Mẹ lưng còng, hàng cau thì thẳng/ Dây trầu không, héo úa lưng trời”; “…Thời gian trôi con tạo xoay vần/Trên đầu con bây giờ hai màu tóc/Tình mẫu tử thiêng liêng lòng trĩu nặng/Mẹ đã về trời, trống vắng, xa xôi…” (Mẹ)
Trong mạch quê hoài niệm cảm xúc “trắng mây bay thương mẹ bạc đầu”, hay “cả đời chắt chiu, gửi vào câu hát/ Vẫn chưa tròn câu nhớ câu thương”, nhà thơ cũng đã dành những tình cảm đặc biệt cho người cha thân yêu của mình bằng những khắc họa trên một cánh đồng ngày gió mưa lam lũ khi anh cùng cha ngày còn ở quê nhà. “Còn những những mùa đông rét mướt/Con theo cha lặn lội trên đồng/Cha nhường con chiếc áo tơi cũ nát/Giữa cơn gió lùa, tình Cha ấm mênh mông…” (Tình cha)
Kỷ niệm bến sông quê với nhà thơ Vũ Duy Văn còn là em, em của ngày hôm qua và của chính dòng sông ấy. Khi “anh bắt gặp chính mình ở bên kia dòng sông/ Viên cuội nhỏ, tháng ngày đơn độc/ Nước mắt đầu đời, nỗi đau em bật khóc/ Vỡ tan rồi giọt nước trắng trong…” (Nỗi đau dòng sông)
Bến sông quê, thường nơi ấy đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp đẽ, vui buồn. Không chỉ vậy, nơi đó còn hình thành biết bao câu chuyện về tình yêu đôi lứa, để rồi có những chuyện tình được đơm hoa kết trái, nhưng cũng không ít đôi lứa phải chia tay trong ngậm ngùi và tiếc nuối. Sông quê không chỉ bồi đắp phù sa mà còn bồi đắp lên từ tình yêu thương tha thiết. Văng vẳng bên sông tiếng ru ầu ơ, tiếng hò đò, tiếng mái chèo khua nước,…và tiếng tự dòng ký ức xa xăm. Tôi từng được nghe anh tâm sự về những ngày tháng trước khi đi thi vào Trường Đại học Tổng hợp Huế, về một hình bóng người xưa cũ. Tình nào đâu có còn về theo con nước, để mỗi khi nhắc về lại rỉ máu những niềm đau: “Bến sông nào đã lở từ lâu/Thương dòng sông/Suốt đời không chảy trong nhau…”
Tôi gọi “Triền sông quê” là cả một miền tâm tưởng mà nhà thơ gửi gắm vào đấy những niềm tâm sự. Bởi nơi đây đã dắt anh về cùng bao kỷ niệm thật buồn và đẹp, nhiều khi nó “trong suốt như sương và dạt dào như cỏ”. Và như lời tác giả “Mỗi bài thơ trong tập thơ là một kỷ niệm đẹp, là sự hoài vọng, tiếc nuối, thăng hoa, nỗi niềm mất mát, thương đau cùng những biệt ly, nhung nhớ của đời người…”. xin mạo muội có đôi lời cảm nhận và giới thiệu về tập thơ của một người anh quý mến.
Võ Văn Trường