Triển vọng nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên

Thứ ba, 10/04/2018 11:17

Triều Tiên đã nói về việc sẵn sàng chuẩn bị để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, mở đường cho một cuộc họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.    Ảnh: AP

Nhà Trắng ngày 9-4 xác nhận việc Triều Tiên muốn đàm phán từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương vào tháng tới.

Một người phát ngôn giấu tên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, hai bên cũng đang có các cuộc họp kín nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử trên. Theo nguồn tin từ CNN, Mỹ và Triều Tiên đang tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp và bí mật ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước. CNN cho biết Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), người được đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo cùng đội ngũ phụ tá đang làm việc với phía Triều Tiên thông qua các kênh tình báo để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh nói trên.

Những thông điệp lần này đánh dấu sự trấn an đầu tiên từ Bình Nhưỡng về khả năng ông Kim Jong-un gặp ông Trump. Tổng thống Mỹ đã đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên trong một cuộc họp tại Nhà Trắng hồi tháng 3, nhưng Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn im lặng. Các quan chức Mỹ cảnh báo, Bình Nhưỡng không cung cấp chi tiết về địa điểm đàm phán và lưu ý, Triều Tiên từng vi phạm các thỏa thuận trước đây trong thời chính quyền George W. Bush, để đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo.

Giới phân tích cũng nói rằng, chính quyền ông Kim Jong-un từ lâu xác định khái niệm phi hạt nhân hóa khác với Mỹ, trong đó có yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Bán đảo Triều Tiên và một thỏa thuận rằng, Washington sẽ không còn bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản bằng kho vũ khí hạt nhân của họ. Các chính quyền trước đây của Mỹ đều bác bỏ những yêu cầu như vậy. Bất chấp những cảnh báo, Tổng thống Trump vẫn khiến cả thế giới ngạc nhiên khi chấp nhận gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un.

Cả hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau trước cuối tháng 5 nhằm thảo luận về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Cuộc gặp diễn ra sau một năm căng thẳng tăng cao và những cuộc khẩu chiến gay gắt giữa lãnh đạo hai nước liên quan đến việc Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến lục địa Mỹ. Ông Kim Jong-un nói với các quan chức Hàn Quốc hồi tháng trước rằng, ông cam kết phi hạt nhân hóa và hy vọng gặp Tổng thống Trump càng sớm càng tốt.

Động thái này diễn ra sau nhiều tháng khẩu chiến gay gắt giữa ông Trump và ông Kim, trong đó Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa đạn đạo và hạt nhân, cho thấy những tiến bộ đáng kể trong khả năng quân sự của họ.

Và cơ hội đã đến khi Hàn Quốc tổ chức Olympic mùa đông PyeongChang và Triều Tiên đồng ý tham gia. Olympic PyeongChang thật sự giúp mở ra cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng, dẫn đến những nỗ lực ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng. Và chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc vừa qua, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền kiểm soát đất nước vào năm 2011, đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa.

Cho đến nay, các quan chức Nhà Trắng không tiết lộ nơi mà Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim sẽ được tổ chức. Cũng chưa rõ chương trình nghị sự của cuộc họp lần này và Triều Tiên cũng không nói rõ về các bước mà họ sẵn sàng thực hiện để tiến đến phi hạt nhân hóa. Trong các cuộc đàm phán trước đây, dưới thời các chính quyền khác, Triều Tiên đã đồng ý đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc ngừng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, Nhà Trắng mới đây tuyên bố sẽ vẫn duy trì chế tài trừng phạt khó khăn áp đặt cho Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua.

KHẢ ANH

Trung Quốc cấm xuất khẩu các mặt hàng “lưỡng dụng” đến Triều Tiên

Trong tuyên bố đăng trên trang mạng của Bộ Thương mại Trung Quốc, bộ này cho hay, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu các mặt hàng “lưỡng dụng” đến Triều Tiên vốn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Lệnh cấm này áp dụng đối với việc xuất khẩu 32 mặt hàng “lưỡng dụng” tiềm tàng theo Nghị quyết số 2375 của HĐBA LHQ.

T.V