Triệt phá ổ nhóm "tín dụng đen" với lớp vỏ bọc tinh vi

Thứ sáu, 20/09/2019 15:55

"Tín dụng đen" cho đến nay vẫn là nỗi nhức nhối của người dân và chính quyền ở nhiều nơi. Thủ đoạn của các đối tượng này đều diễn ra theo một mô típ, đó là tìm kiếm những đối tượng nghiện cờ bạc, cần tiền gấp để cho vay.

Từ đó với mức lãi suất "trên trời", nhiều gia đình đã rơi vào cảnh nợ nần không có khả năng chi trả. Việc triệt phá những ổ nhóm như vậy cũng là một vấn đề nan giải với cơ quan chức năng…

Ông trùm "tín dụng đen" dưới vỏ bọc cán bộ thủy nông

Tháng 12-2018, qua công tác nắm bắt địa bàn, trinh sát hình sự Công an huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) nhận được nguồn tin về viêc một ổ nhóm "tín dụng đen" xuất hiện trên địa bàn huyện, hoạt động phạm pháp dưới hình thức cho vay nặng lãi và tổ chức đánh bạc.

Qua xác minh, ổ nhóm này do Nguyễn Kim Tiến (SN 1977, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cầm đầu. Để tránh sự để ý của cơ quan chức năng, Tiến đã tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo dưới lốt của môt cán bộ thủy nông địa phương. Cũng nhờ đó mà ít người biết, vị cán bộ thủy nông này lại là một "ông trùm", dưới trướng có nhiều đàn em là các đối tượng cộm cán.

Để kiếm tiền bằng hành vi phạm pháp, Tiến đã bày cho đàn em đủ chiêu trò để mở rộng tầm ảnh hưởng, tìm được nhiều "khách" trên địa bàn. Cụ thể, các đối tượng nhắm vào những kẻ đam mê cờ bạc, lô đề, bóng đá… và sẵn sàng vay tiền "nóng" với lãi suất cao.

Nhóm của Tiến còn hoạt động một cách vô cùng tinh vi, vừa làm vừa xóa dấu vết che chắn những hành vi phạm tội của mình như không để tài liệu sổ sách, tang vật ở nhà mà cất giữ ở nơi bí mật hoặc gửi người quen. 

Khi đòi nợ, chúng không dùng vũ lực hay các chiêu trò các nhóm ''tín dụng đen'' khác thường dùng như ném chất bẩn, chất thải hay đe dọa người thân của con nợ. Thay vào đó, chúng bỏ công sức đi tìm hiểu các điểm yếu của đối tượng vay nợ để đe dọa, ép phải tìm cách trả tiền.

Hơn nữa, để thông tin không bị lộ ra ngoài, các thành viên trong ổ nhóm ''tín dụng đen'' này đều là người thân trong gia đình Tiến, sinh hoạt trong địa bàn dân cư theo dạng làng xã, hàng xóm láng giềng. 

Các đối tượng hoạt động đắc lực trong nhóm của Tiến có thể kể đến như: Nguyễn Mạnh Quân (SN 1983, trú tại xã Thạch Hòa, Thạch Thất) là em trai ruột của Tiến; Nguyễn Duy Khánh (SN 1999, trú tại xã Thạch Hòa) là cháu họ của Tiến; Cấn Kim Chung và vợ là Phạm Thị Thu Thảo (cùng SN 1994, trú tại xã Phú Kim, Thạch Thất).

Nguyễn Kim Tiến dưới lớp vỏ bọc cán bộ.

Sau một thời gian hoạt động, mặc dù rất kín kẽ nhưng vẫn khiến cho tình hình chính trị xã hội tại khu vực bất ổn, nhiều gia đình tan nhà nát cửa vì những khoản nợ lãi suất cao. 

Trước tính chất nghiêm trọng của tin báo, lực lượng cảnh sát hình sự, được tăng cường CBCS từ các đội nghiệp vụ của Công an huyện ngay lập tức được cử xuống bám sát địa bàn, tập trung thu thập tài liệu chứng cứ để nhanh chóng đưa các đối tượng ra xét xử trước pháp luật.

Để có thêm bằng chứng triệt phá ổ nhóm này, các trinh sát đã phải tìm kiếm từng đầu mối nhỏ nhất để nắm rõ quy luật hoạt động của các đối tượng. Từ đó tìm cách tiếp cận các nạn nhân, vận động họ đứng ra tố giác các hành vi phạm tội.

Sau nhiều tháng tập trung đấu tranh, Công an huyện Thạch Thất đã thu thập được đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của ổ nhóm "tín dụng đen" này.  Tối ngày 22-8-2019, 15 tổ công tác gồm 100 cán bộ, chiến sỹ đã đồng loạt xuất phát theo nhiều mũi khác nhau để đồng thời bắt giữ Nguyễn Kim Tiến và 16 đối tượng liên quan khác.

Tang vật thu giữ gồm hơn 1 tỷ đồng, 16 điện thoại di động, 12 xe ôtô, 9 xe máy và nhiều tài liệu liên quan đến việc vay nợ, đánh bạc và cầm cố tài sản. Khi mới bị bắt Tiến tỏ ra vô cùng bất ngờ và liên tục quanh co chối tội, thậm chí giả đau đầu không nhớ chuyện gì. Đối tượng nghĩ rằng, với cách thức hoạt động kín đáo như mình đã chuẩn bị, lực lượng chức năng sẽ khó có thể tìm được bằng chứng.

Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra đưa ra các tài liệu chứng cứ xác thực về hoạt động tín dụng "đen" của Tiến, "ông trùm" và đồng bọn đã phải cúi đầu nhận tội. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi "số đề" qua việc nhắn tin bằng điện thoại di động, với giao dịch mỗi ngày khoảng 1 tỷ đồng. Hàng ngày từ 17h đến 18h30', Phạm Thị Thu  Thảo đóng kín cổng, khóa chặt cửa, ở trong nhà dùng điện thoại để liên lạc với các đối tượng đánh bạc.

Hết giờ nhận "lô, đề", Thảo lại tắt máy điện thoại để cộng sổ tính toán. Để bảo mật, chỉ "khách quen" hoặc được giới thiệu bởi người thân tín mới được tham gia đánh bạc; đối tượng lạ muốn được tham gia phải được các đối tượng xác minh về nhân thân, quan hệ, gia đình, tài chính và phải chấp nhận "chơi" lâu dài mới được vào sới. Con bạc chủ yếu là người có tài sản, hoặc có công việc ổn định trong các cơ quan, đơn vị. Số tiền mỗi đối tượng chơi đánh bạc trong ổ nhóm này thường dao động từ 20 triệu đồng - 100 triệu đồng.

Ngoài việc tổ chức đánh bạc, bằng các mánh khóe tinh vi, ổ nhóm này còn hoạt động cho vay lãi nặng và cầm cố tài sản để "trói chân con bạc". Khi người đánh bạc hết tiền, các đối tượng sẽ dụ dỗ, thúc ép mang giấy tờ nhà, hoặc tài sản đến cầm cố để được chơi tiếp. Bên cạnh đó, các đối tượng còn tổ chức cho vay nặng lãi, bốc "bát họ" với lãi xuất từ 50 - 180%/ năm.

Tài sản của nhóm "tín dụng đen" bị thu giữ.

Chủ động phòng ngừa

Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội cho biết: "Xác định hoạt động "tín dụng đen" là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp, bởi vậy phải quản lý chặt các cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, tạo thế chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng hình thức kinh doanh dịch vụ này để hoạt động vi phạm pháp luật".

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.247 cơ sở cầm đồ, 669 cơ sở kinh doanh tài chính, cùng với đó là gần 600 cá nhân hoạt động cho vay được đưa vào danh sách quản lý. Hầu như tất các các cơ sở, cá nhân nêu trên đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính.

Để chủ động phòng ngừa, Phòng Cảnh sát Hình sự cùng các đơn vị của Công an Hà Nội đã chủ động tổ chức phân công, phân cấp quản lý, tập trung vào các cơ sở kinh doanh, cá nhân, ổ nhóm có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặc đối tượng cầm đầu có nhiều tiền án, tiền sự. Tổng số cơ sở kinh doanh tài chính đã được mở hồ sơ đưa vào quản lý là 1.695 cơ sở (chiếm 88,4% tổng số cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố). Đối với 221 cơ sở chưa có biểu hiện phức tạp (chiếm 11,6% tổng số cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố), các đơn vị đang quản lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Đối với các cơ sở cầm đồ hoạt động kinh doanh tài chính không phép, có biểu hiện hoạt động phức tạp đều được Công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng các Đồn, Đội, Trạm mở hồ sơ quản lý, và áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý phù hợp.

Nhóm "tín dụng đen" lớn nhất Việt Nam bị triệt phá.

Thượng tá Nguyễn Bình đánh giá, "tín dụng đen" về bản chất là hoạt động vay mượn giữa các cá nhân với nhau, không thông qua các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép hoạt động. Sự tồn tại của "tín dụng đen" là bởi nó cung cấp tài chính nhanh chóng đến người có nhu cầu mà không cần nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, so với các tổ chức tín dụng hợp pháp.

Tuy nhiên, cũng chính vì thủ tục vay mượn đơn giản, không bị ràng buộc về pháp luật, dễ dẫn đến các vụ phạm pháp hình sự như cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, đổ chất bẩn đe dọa, khủng bố tinh thần... Đặc biệt đã xảy ra một số vụ án trọng án như giết người, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Hoạt động "tín dụng đen" rất phức tạp và các đối tượng tham gia đều thực hiện hành vi một cách manh động, liều lĩnh. Vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra đêm 25-7-2018 là minh chứng rõ nét với hàng chục đối tượng mang theo dao kiếm, đi qua nhiều tuyến phố lớn trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai để tìm nhóm đối tượng khác giải quyết mâu thuẫn trong vay nợ tiền bạc. Trong vụ án này, Phòng Cảnh sát Hình sự đã tổ chức điều tra, khởi tố, bắt tạm giam gần 40 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Từ thực tiễn đến kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống "tín dụng đen" cho thấy cần phải tổ chức bài bản, nắm chắc địa bàn, không được phép dung túng, lơi là. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thủ đoạn mới của loại tội phạm này và vận động người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm. Tuyệt đối không để các ổ nhóm tội phạm "tín dụng đen" hoạt động trên nhiều địa bàn mà không được quản lý và tổ chức đấu tranh triệt xóa.

Theo CAND