Triều Tiên lại thử tên lửa

Thứ ba, 30/05/2017 10:24

(Cadn.com.vn) - Triều Tiên ngày 29-5 lại phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào từ bờ biển phía đông. Vậy là trong vòng 3 tuần, Triều Tiên đã thử 3 tên lửa đạn đạo liên tiếp.

Theo thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC), tên lửa được cho là giống loại Scud, được phóng từ thị trấn Wonsan thuộc tỉnh Gangwon vào khoảng 5 giờ 39. Tên lửa bay khoảng 450 km với tốc độ khoảng 120km/h trước khi rơi xuống vùng biển gần lãnh hải Nhật Bản. Phát ngôn viên JCS, Đại tá Roh Jae-cheon, cho biết Bình Nhưỡng có thể đã bắn nhiều tên lửa trong lần mới nhất này.

Tổng thống Moon Jae-in đã ra lệnh triệu tập phiên họp Hội đồng An ninh Quốc gia. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đồng thời cam kết sẽ có hành động mạnh mẽ đối phó với mọi hành động khiêu khích. "Đây là vụ vi phạm trắng trợn các nghị quyết có liên quan của HĐBA LHQ và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với Bán đảo Triều Tiên mà còn với hòa bình và an ninh trên toàn thế giới", tuyên bố của bộ trên nêu rõ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đồng thời cam kết hành động cùng các quốc gia khác nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tái diễn các hành động khiêu khích. Ông nhấn mạnh Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân của mình và liên hệ chặt chẽ với Hàn Quốc cũng như các nước khác về vấn đề này.

Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 29-5. Ảnh: Reuters

Nhắm vào Mỹ?

Từ Washington, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được báo cáo vắn tắt về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ cho biết đã theo dõi tên lửa tầm ngắn này, được phóng từ vị trí gần sân bay Wonsan, trong 6 phút cho đến khi nó rơi xuống biển Nhật Bản, đồng thời khẳng định tên lửa này không được xem là mối đe dọa đối với Bắc Mỹ.

Theo giới phân tích, vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên có lẽ không nhằm mục đích hoàn thiện công nghệ vũ khí mà chủ yếu thể hiện khả năng tấn công chống lại các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ trong khu vực.  Nhiều vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhằm cải thiện công nghệ khi quốc gia này tìm cách chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBMs) gắn đầu đạn hạt nhân mà có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Tuy nhiên, những tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên chứng minh được mức độ tin cậy nên không cần thiết cải thiện công nghệ. Do đó, vụ phóng tên lửa lần này nhiều khả năng thể hiện việc Bình Nhưỡng đang cố thách thức Mỹ.

3 tuần, 3 vụ thử

Đây là vụ phóng tên lửa thứ 9 của Triều Tiên tính từ đầu năm đến nay và cũng là vụ phóng thứ 3 kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hôm 10-5.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Triều Tiên đã 3 lần thử tên lửa và tất cả đều là tên lửa đạn đạo. Hôm 14-5, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 mới phát triển từ khu vực Kusong phía tây nước này. Tên lửa đạt độ cao hơn 2.200km, bay được 787km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Một tuần sau đó, ngày 21-5, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-2 nhằm kiểm tra kỹ thuật lần cuối trước khi "đưa vào trực chiến và sản xuất hàng loạt".

Các nhà phân tích cho rằng, tất cả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, dù thành công hay không, đều cung cấp thông tin giúp Bình Nhưỡng tiến gần tới mục tiêu phát triển một tên lửa có thể hướng tới Mỹ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện nay do LHQ và các nước khác áp đặt với Triều Tiên dường như không thể làm chậm lại chương trình tên lửa của nước này.

Cũng giống như các vụ phóng trước đây, vụ phóng hôm 29-5 xảy ra ngay sau sự kiện quốc tế quan trọng. 2 ngày trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và 5 nhà lãnh đạo của Canada, Pháp, Đức, Italia và Anh tại Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở Italia. Trong bản tuyên bố chung, G7 cho rằng, Triều Tiên "đang ngày càng đặt ra mức độ đe dọa mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định quốc tế... liên tục vi phạm luật pháp quốc tế".

Vụ bắn thử lần này cũng xảy ra chỉ một ngày sau khi truyền thông Mỹ và Nhật dẫn các nguồn tin trong quân đội Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz sẽ tới khu vực tây Thái Bình Dương để gia nhập với hai tàu sân bay khác. Nếu được xác nhận, đây sẽ là một trong những lần hiếm hoi Mỹ triển khai cả 3 tàu sân bay ở cùng một khu vực. Theo nhận định của giới quan sát, động thái này là một sự tính toán và phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực.

An Bình