Triều Tiên phóng tên lửa, thế giới dậy sóng
(Cadn.com.vn) - Sáng 14-5, Triều Tiên phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ khu vực ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, động thái khiến tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập ngay lập tức một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung hồi tháng 2. Ảnh: Yonhap |
Tên lửa mới
Tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) cho biết: “Triều Tiên đã phóng một tên lửa chưa xác định vào khoảng 5 giờ 27 sáng 14-5 từ một khu vực thuộc vùng lân cận Kusong, tỉnh Bắc Pyongan”. Hàn Quốc cho rằng với việc bay được khoảng 700 km, cho thấy vụ phóng tên lửa đã thành công. “Quân đội Hàn Quốc đang trong tư thế phòng thủ, theo dõi chặt chẽ các động thái từ quân đội Triều Tiên”, JCS tuyên bố.
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) cũng tuyên bố đã phát hiện và theo dõi vụ phóng tên lửa. “PACOM đang xác định loại tên lửa, song hành trình bay của nó không giống với một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.
Trong khi đó, nguồn tin quân đội Nhật Bản cho biết, tên lửa bay được khoảng 30 phút và rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản nhưng không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố, tên lửa đạn đạo được Triều Tiên sử dụng lần này có thể đạt tới độ cao hơn 2.000km và là một loại mới được phát triển. Việc tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đạt tới độ cao 2.000km là điểm đáng chú ý. Nếu thông tin này được xác nhận, nó cho thấy một bước tiến nữa trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho rằng, tên lửa được phóng đã rơi xuống vùng biển chỉ cách thành phố Vladivostok của Nga khoảng 96 km. Thành phố cảng Vladivostok là nơi đồn trú của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga nhận định tên lửa mà Triều Tiên phóng không đe dọa đến Nga.
Đây được coi là hành động khiêu khích đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Moon nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc và đánh dấu vụ thử tên lửa đạn đạo khác chỉ trong vòng 2 tuần. Phát biểu tại cuộc họp khẩn của NSC, tân Tổng thống Moon Jae-in lấy làm tiếc vì hành động khiêu khích của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ cương quyết đáp trả hành động này. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho biết, Seoul “sẽ vẫn mở khả năng đối thoại với Triều Tiên, song điều này chỉ diễn ra khi Triều Tiên thể hiện một sự thay đổi trong thái độ”.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản và vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Hội đồng An ninh Quốc gia nước này cùng ngày đã tổ chức một cuộc họp liên bộ nhằm tìm giải pháp xử lý vụ việc này. Thủ tướng Abe đã chỉ đạo các quan chức nước này phối hợp với cộng đồng quốc tế kêu gọi Triều Tiên kiềm chế.
Về phía Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ thì cho biết đang cân nhắc tất cả các giải pháp nhằm chặn đứng việc Triều Tiên tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế, xem đây như giải pháp để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Thông điệp từ Bình Nhưỡng?
Theo ông Carl Schuster, giáo sư Đại học Hawaii Pacific và cựu giám đốc các hoạt động của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, hướng bay của tên lửa gần với Nga là một thông điệp mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un gửi đến cả Moscow và Bắc Kinh. Triều Tiên muốn nói với Nga rằng “Chúng tôi cũng có thể chạm đến Moscow” và nói với Trung Quốc rằng “Chúng tôi không quan tâm đến những gì các ông nghĩ, chúng tôi độc lập”, ông Schuster nhận định.
Trung Quốc vẫn là một trong những đồng minh duy nhất của Triều Tiên và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia bị trừng trị nặng nề này. Ngày 14-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có buổi gặp các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đại và con đường” tại Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng một phái đoàn Triều Tiên cũng tham dự. “Thời điểm phóng tên lửa không phải là ngẫu nhiên”, ông Schuster nhận định.
Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế và không thực hiện bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng sau khi Triều Tiên phóng tên lửa.
An Bình