Trở lại bài báo: Căn cứ An Lâm - Dấu xưa còn đó
Sau khi Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng số ra ngày 14-8-2024 đăng bài "Căn cứ An Lâm - Dấu xưa còn đó", đã có nhiều ý kiến phản hồi cho rằng, một di tích lịch sử nhiều ý nghĩa trên vùng đất được cho là "thủ đô" kháng chiến Khu 5, đã được cơ quan chức năng công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh từ 2005, mà để thực trạng như hiện nay là chưa được đầu tư tương xứng...
Qua bài báo, một số cán bộ làm công tác văn hóa huyện Hiệp Đức phân trần, hiện nay các di tích trên địa bàn khá nhiều, trong khi đó nguồn lực địa phương hạn hẹp nên việc hoàn thành hồ sơ, rồi được cơ quan chức năng công nhận di tích đã là niềm phấn khởi. Địa phương từ huyện đến xã cũng đã nỗ lực "dành dụm" kinh phí làm bia, nhà bia di tích…, song để đầu tư mức cao hơn cho xứng tầm phải đợi cấp trên. Điều này không chỉ riêng Hiệp Đức mà các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng chung tình cảnh này.
Có một thực tế căn cứ Nghĩa Hội An Lâm, thuộc thôn An Lâm, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức nằm trên một đồi keo của người dân và gần kề cầu treo nơi con sông Tiên chảy qua khu vực này nên vấn đề sạt lở trong mỗi mùa mưa bão thật khó ai dám bảo đảm. Đó là chưa nói những đoạn tường thành còn sót lại cây cối bao phủ, tháng năm dầm mình trong mưa nắng và cả ý thức của người dân trong bảo vệ. Bởi ít ai hiểu hết những giá trị của di tích này. Trong khi đó, di tích đã trải qua nhiều thập niên (Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu cho xây dựng từ khoảng năm 1886. PV- Văn bia di tích).
Mới đây, trong cuộc tọa đàm "Phát huy vai trò của văn hóa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam", sau đề cập có tính học thuật một cách sâu sắc và nhiều gợi mở về văn hóa vùng đất Quảng Nam của Thạc sĩ Nguyễn Thị Triều - Phó Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực III, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Công Thanh cho hay một thông tin khá vui, đó là hiện tỉnh Quảng Nam có đến 46 Nghị quyết, Văn bản chính sách có nội dung lĩnh vực văn hóa. Ông Thanh khẳng định, không chỉ trên lý thuyết mà trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay văn hóa phải song hành.
Văn hóa và kinh tế có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời. Yếu tố văn hóa ngày càng được phát huy mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế. Dễ thấy nhất là phát triển kinh tế từ ngành du lịch Quảng Nam đã phải dựa trên nền tảng văn hóa. Với đô thị cổ Hội An hay khu đền tháp Mỹ Sơn là minh chứng. Với việc đầu tư cho các di tích, theo ông Nguyễn Công Thanh, phải có sự phối hợp từ cơ sở đến tỉnh. Địa phương phải là người đề xuất để trên xem xét, có thứ tự ưu tiên trong đầu tư nguồn lực. Với các chính sách của tỉnh cũng cần rà soát xem xét lại, cái nào còn phù hợp cái nào bổ sung sát đúng thực tiễn, để chính sách đi vào cuộc sống…
Phát huy giá trị văn hóa (cụ thể là các di tích văn hóa- lịch sử) trong phát triển kinh tế cụ thể với ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Nam cho rằng, vẫn còn yếu ở mặt này. Công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng của các nước trên thế giới. Sức hút văn hóa phải thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Liên hệ vấn đề này với di tích căn cứ Nghĩa hội An Lâm ở Hiệp Đức, thiển nghĩ địa phương nên đẩy mạnh phát huy tua tuyến du lịch về nguồn, về địa chỉ đỏ cách mạng bởi địa phương này có nhiều lợi thế.
Tại sao không, mối liên kết giữa các di tích lịch sử văn hóa ở Hiệp Đức như: Khu di tích Khu ủy 5 ở Sông Trà; đình làng Phước Sơn với hơn 400 năm tuổi- nơi có vạn Phước Sơn một thời buôn bán sầm uất của những thương gia người Hoa từ Hội An lên; đồn điền cụ Đốc Ấm- người con rể chí sĩ Phan Châu Trinh; di tích lịch sử làng ông Tía- Nơi mở đầu phong trào khởi nghĩa vũ trang của Trung Bộ; hồ Việt An ở xã Bình Lâm; thắng cảnh vọng vang trong câu ca của vùng đất "chưa mưa đà thấm": "Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi"…
Căn cứ Nghĩa hội An Lâm- một điểm dừng chân đầy thú vị trong hành trình vừa nêu trên là hoàn toàn có thể. Mấu chốt ở đây là câu chuyện cần xem xét thứ tự ưu tiên trong đầu tư, rồi gắn khai thác di tích vào hoạt động kinh tế, du lịch. Mong thay chính quyền huyện Hiệp Đức và cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam sớm xem xét, có những đầu tư phù hợp để trùng tu, tôn tạo di tích căn cứ Nghĩa hội An Lâm. Ngoài ra cũng cần nói thêm, với tầm vóc một căn cứ cuối cùng của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đã vượt ngoài tầm vóc một di tích lịch sử cấp tỉnh.
V.V.T